(HNM) - Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Nga và Hy Lạp đang có nguy cơ bị sứt mẻ bởi những tranh cãi ngoại giao liên tục gia tăng trong thời gian gần đây.
Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối thỏa thuận đổi tên giữa Hy Lạp và Macedonia. |
Cuối tuần qua, Nga một lần nữa triệu Đại sứ Hy Lạp tại Mátxcơva để phản đối những tuyên bố "chống Nga" của Athens. Động thái trên diễn ra sau khi tối 18-7, Bộ Ngoại giao Hy Lạp yêu cầu Nga phải ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này cũng như cách cư xử mà Athens cho là "thiếu tôn trọng". Cách đây 10 ngày, Nga cũng triệu Đại sứ Hy Lạp để phản đối việc trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc tìm cách hối lộ các quan chức và kích động biểu tình nhằm cản trở một thỏa thuận giúp Macedonia gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Athens không liên lạc với nhà chức trách Nga, Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết đã chuyển cho Mátxcơva những bằng chứng mà Bộ này lấy đó làm căn cứ cho các hành động của mình.
Căng thẳng Nga - Hy Lạp bắt nguồn từ câu chuyện tưởng chừng không liên quan giữa Hy Lạp và Macedonia, vốn bùng phát vào năm 1991. Thời điểm đó, Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia - FYROM. Tuy nhiên, Hy Lạp phản đối tên gọi này vì trùng với một tỉnh miền Bắc Hy Lạp. Đây là nguyên nhân khiến nỗ lực gia nhập NATO của Macedonia bị cản trở suốt 10 năm qua. Vì theo quy định của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh, bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia tổ chức phải nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ các thành viên. Thế nhưng, mâu thuẫn giữa Hy Lạp và Macedonia đã được giải tỏa hồi tháng trước sau khi hai nước đạt được một thỏa thuận đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Nhờ đó Macedonia nối lại lộ trình gia nhập NATO.
Tương tự những lần trước, kế hoạch mở rộng địa bàn sang hướng Đông của NATO luôn vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Nga. Mátxcơva cáo buộc NATO lôi kéo Macedonia, đồng thời cho rằng chính sách "mở cửa" của liên minh quân sự này thực chất là nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ địa lý. Cùng thời điểm Mátxcơva đưa ra những chỉ trích nhằm vào NATO, tại Hy Lạp đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống lại một thỏa thuận thay đổi tên gọi giữa Hy Lạp với Macedonia. Athens cho rằng, Nga đứng đằng sau các cuộc biểu tình và yêu cầu Nga ngừng can thiệp vào các công việc nội bộ của nước này.
Trong khi đó, Phái viên của Nga tại EU cho rằng, việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Hy Lạp là một sự khiêu khích. Để trả đũa, Mátxcơva đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Hy Lạp. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Hy Lạp dự kiến vào mùa thu này cũng đã bị hủy bỏ.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, quan hệ Nga - Hy Lạp vướng vào một cuộc tranh cãi nặng nề như vậy. Trước đây, trong những thời điểm khó khăn khi Hy Lạp ngập trong cuộc khủng hoảng nợ, kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các biện pháp trừng phạt của EU, hai quốc gia vẫn dành cho nhau những hỗ trợ hữu hiệu. Tổng thống Nga Vladimir Putin còn tuyên bố, Nga sẵn sàng xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Hy Lạp và sự hợp tác hiệu quả song phương sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước cũng như EU. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, nhiều nhà phân tích lo ngại “tuần trăng mật” trong quan hệ giữa hai nước đã không còn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.