(HNM) - Kết quả cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Hy Lạp, diễn ra ngày 20-9, không nằm ngoài dự đoán khi đảng Syriza của cựu Thủ tướng Alexis Tsipras giành chiến thắng sít sao với hơn 35,54% số phiếu bầu so với tỷ lệ 28,07% mà đảng đối lập Dân chủ mới bảo thủ giành được.
Đằng Sau chiến thắng của ông A.Tsipras và đảng Syriza là những thách thức chồng chất |
Kết quả này nằm trong tính toán của ông A.Tsipras khi tuyên bố từ chức Thủ tướng và kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vì những chia rẽ nghiêm trọng ở nội bộ đảng Syriza liên quan đến gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro mà các chủ nợ dành cho Hy Lạp để đổi lấy việc xứ sở Thần thoại phải tiếp tục các chính sách khắc khổ và tư hữu hóa nhiều tài sản nhà nước. Ông A.Tsipras muốn cuộc bầu cử diễn ra càng sớm càng tốt để có thể tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trước khi tiến hành giai đoạn cải cách tiếp theo vì khi đó, các biện pháp như cắt giảm lương hưu, nâng thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân.
Cũng theo kết quả chính thức, đảng Bình minh vàng theo chủ nghĩa phát xít mới lại về thứ ba với 7,09% phiếu bầu, tiếp theo là đảng Xã hội Pasok với 6,42% số phiếu. Đảng To Potami theo đường lối trung dung chỉ giành được 3,94% số phiếu, trong khi đảng nhỏ chống tham nhũng Liên minh Trung dung giành được hơn 3% phiếu bầu và lần đầu tiên có chân trong Nghị viện. Ông A.Tsipras đã xác nhận thông tin Syriza sẽ một lần nữa liên minh với đảng Người Hy Lạp độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, liên minh Syriza-ANEL với 155 ghế trong Nghị viện 300 ghế là quá mong manh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước mắt, nhất là khi ông A.Tsipras và chính phủ mới phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn do vừa phải lèo lái nền kinh tế ốm yếu với món nợ khổng lồ vừa phải xây dựng lòng tin với nhân dân cũng như các chủ nợ quốc tế.
Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử lần này không chỉ giúp cơ cấu lại nội bộ đảng Syriza cầm quyền mà còn như một cuộc trưng cầu dân ý đối với chính sách "thắt lưng buôc bụng". Theo con số thống kê chính thức, tỷ lệ người đi bầu chỉ ở mức 54%, thấp chưa từng có kể từ 70 năm nay. Điều này phản ánh đúng những gì đang diễn ra với các cử tri Hy Lạp. Họ không muốn tiếp tục các biện pháp cắt giảm chi tiêu hà khắc, nhưng cũng không còn con đường nào khác là vẫn phải đi theo chính sách của ông A.Tsipras, chấp nhận những thỏa thuận bất lợi với các chủ nợ để có thể được vay tiền. Công việc cần làm của Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Hy Lạp là vừa phải tiến hành những cải cách cấp thiết để cứu vãn nền kinh tế đang sa lầy vừa tìm cách trả nợ nhưng cũng phải xoa dịu dư luận trong hoàn cảnh các biện pháp hà khắc có thể dẫn đến nguy cơ bất ổn chính trị - xã hội nước này.
Mặc dù sẽ tuân thủ các thỏa thuận đã ký với các chủ nợ hồi tháng 7, ông A.Tsipras sẽ tiếp tục thương lượng nhằm giãn và giảm các khoản nợ. Đây được coi là một thử thách khá gai góc đối với tân chính phủ khi nhậm chức. Bên cạnh đó, là một quốc gia cửa ngõ Châu Âu, Hy Lạp cũng đang phải gồng mình trước những làn sóng người di cư đang dồn về Lục địa già. Gánh nặng này có nguy cơ tăng cao khi các quốc gia Đông Âu lần lượt tuyên bố đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn người di cư và tị nạn đang hằng ngày vượt đường bộ qua các nước vùng Balkan tìm đường đến Tây Âu. Trong khi đó, việc đảng Bình minh mới có xu hướng phát xít và bài ngoại trở thành đảng lớn thứ ba với 7% số phiếu là một kết quả đáng lo ngại, một mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của xã hội và chính trị Hy Lạp. Vì vậy, mặc dù giành chiến thắng, nhưng sẽ không có "tuần trăng mật" cho ông A.Tsipras. Thay vào đó là hàng loạt vấn đề phải giải quyết ngay nếu như nhà lãnh đạo 42 tuổi này không muốn thêm một lần nữa "đứt gánh" giữa nhiệm kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.