(HNM) - Đó là khẳng định của lãnh đạo Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn tại buổi làm việc với phóng viên Báo Hànộimới chiều 15-12 về việc thi công khe co giãn cầu Ngũ Huyện Khê, cầu Phương Trạch và lắp đặt cáp giằng dự ứng lực tại Dự án đường 5 kéo dài.
Biện pháp thi công thông thường
Trước đó, một số người dân và cơ quan thông tin đại chúng phản ánh tình trạng mặt cầu Ngũ Huyện Khê và cầu Phương Trạch thuộc Dự án đường 5 kéo dài, sau khi thông xe và đưa vào khai thác được hai tháng đã trơ lõi gỗ ép. Về vấn đề này, ông Lê Văn Sỹ - Trưởng phòng Thực hiện dự án 1 (Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn) cho biết: Trước khi tổ chức thông xe kỹ thuật vào ngày 9-10, đúng dịp chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua, đơn vị đã báo cáo UBND thành phố và các cơ quan chức năng về việc một số hạng mục chưa hoàn thành nhưng sẽ triển khai một số giải pháp để bảo đảm yêu cầu thông xe kỹ thuật. Công trình sẽ vừa khai thác vừa thi công hoàn thiện dự kiến sẽ hoàn thành ngày 31-12-2014. Trong đó, việc xử lý khe co giãn sẽ áp dụng 2 phương pháp: Thứ nhất là lắp khe co giãn trước rồi mới thảm bê tông asphalt; thứ hai là thảm bê tông asphalt trước rồi mới lắp đặt khe co giãn. Cuối cùng thì phương pháp thứ hai được chấp thuận vì sẽ bảo đảm giao thông êm thuận và phục vụ được yêu cầu thông xe ngay.
Cũng cần nói thêm là cầu Đông Trù và nhiều cầu khác ở Việt Nam khi lắp đặt khe co giãn cũng thực hiện theo cách này. Theo đó, tại vị trí khe co giãn (bề rộng khoảng 20cm), nhà thầu phải rải lớp lót bằng gỗ và chèn bao tải cát để không rơi rớt bê tông, sau đó thảm trùm lên rồi lu lèn. Tiếp đó, nhà thầu sẽ tiến hành cắt lớp bê tông, làm vệ sinh rồi lắp đặt khe co giãn bằng thép đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật và bảo đảm chất lượng công trình. Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn khẳng định, biện pháp thi công này đã được các cơ quan chức năng chấp thuận, không có chuyện làm ăn gian dối hoặc "xử lý tình huống" khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt khe co giãn, nhà thầu phải phân luồng giao thông, lắp đặt hệ thống cảnh báo, hướng dẫn giao thông nên không tránh khỏi ảnh hưởng tới người tham gia giao thông. Hiện quá trình lắp đặt khe co giãn trên hai cầu Ngũ Huyện Khê và Phương Trạch đã hoàn thành khoảng 50% và sẽ sớm hoàn thành ngay trong vài ngày tới. Ngày 15-12, Ban đã có văn bản gửi Cục Giám định (Bộ Xây dựng) để báo cáo về việc này.
Hệ thống đường dẫn nối giữa cầu Đông Trù và đường 5 kéo dài. Ảnh: khampha |
Cầu Đông Trù: Tập trung hoàn thành phía hạ lưu để thông xe
Liên quan đến gói thầu số 13 xây dựng cầu Đông Trù thuộc Dự án đường 5 kéo dài, sau hai tháng thông xe mới chỉ lưu thông được một bên (phần hạ lưu), ông Lê Văn Sỹ giải thích: Cầu Đông Trù gồm 2 cầu độc lập (phía hạ lưu và thượng lưu). Cây cầu này với công nghệ lần đầu được áp dụng tại Việt Nam, ban đầu do nhà thầu Trung Quốc đảm trách thi công, tuy nhiên sau đó nhà thầu này rút nên công trình bị đình trệ. Đến tháng 1-2013, UBND TP Hà Nội giao Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) thực hiện với thời gian hoàn thành sau 18 tháng thi công để phục vụ thông xe chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Do khối lượng công việc rất lớn trong khi tiến độ gấp nên Ban và nhà thầu Cienco1 đã thống nhất tập trung hoàn thành phần hạ lưu. Sau đó, phần hạ lưu đã được thử tải và kịp phục vụ lễ thông xe. Với phần thượng lưu, cũng phải nói thêm là vào thời điểm đó, một số cáp giằng dự ứng lực nhập từ nước ngoài về, sau khi tiến hành thí nghiệm đã không bảo đảm yêu cầu, vì vậy Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn đã báo cáo UBND TP Hà Nội và Hội đồng nghiệm thu nhà nước và các cơ quan này đã yêu cầu, nếu kết quả thí nghiệm không bảo đảm thì phải nhập mới. Hiện số cáp mới nhập về đang được nhà thầu lắp đặt, dự kiến đến ngày 20-12 tới sẽ kết thúc, sau đó tổ chức thử tải nếu bảo đảm yêu cầu mới chính thức đưa vào khai thác. Quá trình thử tải, phải bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng. Như vậy, toàn bộ công trình đường 5 kéo dài sẽ hoàn thành vào ngày 31-12-2014, theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Dự án đường 5 kéo dài do Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn (trực thuộc UBND TP Hà Nội) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 6.661 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài 13,5km, điểm đầu tại Km3+200 nối với dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì, điểm cuối tại Km16+500 nối với nút giao trung tâm quận Long Biên và quốc lộ 5. Toàn tuyến có 10 gói thầu, trong đó có 3 gói thầu về cầu, 7 gói thầu về đường. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.