(HNMO) - Chiều 15-4, phiên bế mạc Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 đã diễn ra sau 3 ngày làm việc khẩn trương và hiệu quả.
Tham dự phiên bế mạc, về phía Việt Nam có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt - Pháp - Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Pháp Nguyễn Thúy Anh; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Về phía Pháp có bà Catherine Deroche, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Pháp, đại diện của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Trưởng đoàn chính thức các địa phương Pháp; ông Jean-Paul Guihaume, Đại sứ Đặc trách ngoại vụ địa phương Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp; ông Jean-Claude Dardelet, Phó Thị trưởng thành phố Toulouse, Phó Chủ tịch Vùng đô thị Toulouse, Ủy viên Ban điều hành Hiệp hội các địa phương Pháp; ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam.
Cùng đối diện với những thách thức chung
Báo cáo tổng kết các kết quả đạt được trong các phiên hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ hội nghị, bà Constance Koukoui, Trưởng phòng khu vực Hiệp hội các địa phương Pháp cho biết, nội dung thảo luận lần này rất phong phú, với mỗi phiên có 150-400 người tham dự.
Cụ thể, trong phiên “Đô thị bền vững”, với lượng lớn những tham luận, ý kiến đóng góp đa dạng, các đại biểu đã cùng nhau đối diện những vấn đề chung về đô thị bền vững, thách thức tương tự trong công tác quy hoạch, dịch vụ cho người dân về nước sạch, xử lý nước thải.
Trong phiên thảo luận về “Văn hóa, Di sản và Du lịch”, các ý kiến thống nhất cho rằng, yếu tố di sản vật thể và phi vật thể ngày càng quan trọng trong quá trình triển khai quy hoạch trên địa bàn các đô thị, đồng thời tập trung bàn về các giải pháp nâng cao đời sống cư dân bản địa lân cận di sản. Các đại biểu đã đề ra phương pháp kết hợp công nghệ cao, công nghệ số trong bảo tồn, phát huy di sản và một số hợp tác giữa Việt Nam và Pháp đã được được triển khai theo hướng này. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, chính quyền Trumg ương cần tạo điều kiện hơn nữa cho các địa phương trong quá trình phát triển văn hóa, di sản và du lịch cũng như xây dựng chính sách công cho lĩnh vực này.
Trong phiên “Môi trường, Nước và Xử lý nước”, các đại biểu nhất trí về tình trạng khan hiếm nước, biến đổi khí hậu là thách thức chung cả hai nước phải đối diện. Hai bên đang triển khai các biện pháp kỹ thuật cũng như điều chỉnh chính sách công để quản lý nguồn nước hiệu quả hơn, đặc biệt là nguồn nước cho nông nghiệp và tưới tiêu. Trong đó, hợp tác phi tập trung được đánh giá rất quan trọng, cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Nhiều đề xuất giải pháp được các đại biểu đưa ra bao gồm chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại, giáo dục, tuyên truyền về sử dụng nước tiết kiệm...
Trong phiên thảo luận về “Thành phố thông minh - số hóa”, bà Constance Koukoui cho biết, chủ đề này đặc biệt ở chỗ có thể triển khai đồng thời chính sách quốc gia và được lồng ghép vào địa phương, thành phố, tập trung vào quá trình chuyển đổi số của các đô thị. Các đại biểu đồng ý với quan điểm, chuyển đổi số có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giúp thay đổi nhanh mô thức quản lý vận hành, từ đó có sự phát triển bền vững và minh bạch hơn.
Phát biểu tại phiên bế mạc, bà Catherine Deroche, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Pháp đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan đã dành cho đoàn đại biểu Pháp sự đón tiếp nồng hậu, cũng như chất lượng trong quá trình tổ chức hội nghị. Trong những ngày làm việc với lịch trình dày đặc, các địa phương và doanh nghiệp hai bên đã trao đổi với nhau rất nhiều nội dung quan trọng đối với hợp tác và phát triển.
Bà Catherine Deroche đánh giá cao chương trình của hội nghị lần này, một sự kết hợp đa dạng bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác, cả về đầu tư, văn hoá... Sự thành công của hội nghị này là nhờ có sự nỗ lực của nhiều phía, trong đó đặc biệt là thành phố chủ nhà Hà Nội. Thành công này cũng là động lực để địa phương tiếp theo của Pháp cố gắng hơn nữa trong quá trình đăng cai tổ chức hội nghị tiếp theo vào năm 2026.
Hướng tới những kết nối mới, đối tác mới và thành công mới
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần xây dựng, trao đổi thẳng thắn, tập trung phân tích kỹ theo từng chuyên đề; Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 đã bước vào phiên bế mạc. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh tin tưởng rằng, các cuộc thảo luận vẫn sẽ tiếp nối trên các diễn đàn bởi đó cũng chính là mục đích của hội nghị, nhằm hướng tới những kết nối mới, những đối tác mới và những thành công mới.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ vui mừng khi nhận thấy các phiên làm việc của hội nghị có chất lượng rất cao, nhất là tại 4 hội thảo chuyên đề với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu, đại diện cho hơn 60 địa phương của Pháp và Việt Nam, cùng với nhiều tổ chức nhà nước và tư nhân; trong đó đặc biệt có nhiều địa phương của Pháp và Việt Nam lần đầu tham dự Hội nghị như Le Havre, Nevers...
Những kiến nghị, đề xuất đến từ các chuyên gia, đại diện các cơ quan hoạch định chính sách, chủ doanh nghiệp, những người trực tiếp triển khai dự án... đã thể hiện quyết tâm chung là chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, đồng thời, đánh giá về những thách thức và cơ hội mới trong kỷ nguyên số, trước những đe dọa của dịch bệnh, biến đổi khí hậu và sự hủy hoại môi trường; về sự cần thiết phát huy bản sắc và di sản khi phát triển du lịch trong một “thế giới phẳng”. Đó là những kiến thức rất bổ ích để gợi mở cho những kế hoạch, hoạt động hợp tác song phương trong tương lai.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Sỹ Thanh, có thể một số lĩnh vực hội nghị trao đổi trong 3 ngày qua không mới, nhưng các bên đã đổi mới cách tiếp cận, trong tâm thế “các bên cùng có lợi” nhưng vẫn giữ được tinh thần đoàn kết, vốn là “lý do” ra đời và phát triển của cơ chế hợp tác địa phương giữa Việt Nam và Pháp.
Diễn đàn doanh nghiệp là một điểm nhấn, đã có những tham luận đa chiều và những đóng góp chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp và đối tác hai nước và nhiều cuộc kết nối, trao đổi bên lề Diễn đàn hứa hẹn những hợp tác mới trong tương lai.
Thành công của hội nghị còn là không khí sôi nổi, tưng bừng đến từ không gian “Sắc màu Việt Nam” và Lễ hội “Dạo chơi nước Pháp”. Ngoài ý nghĩa quảng bá kinh tế, văn hóa, ẩm thực, du lịch…, thông qua các sự kiện đó, các địa phương Việt Nam - Pháp còn mang đến cho nhau sự ấm áp của tình hữu nghị, sự chân thành, tin tưởng, mong muốn hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành công của hội nghị chắc chắc chắn là dấu ấn khó quên trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Tại phiên bế mạc, hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh đã trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 13 cho bà Catherine Deroche trong vai trò Trưởng đoàn chính thức các địa phương Pháp.
Trong khuôn khổ Lễ bế mạc hội nghị, 4 cặp địa phương Việt Nam và Pháp đã ký và trao biên bản hợp tác, bao gồm thành phố Hà Nội - thành phố Toulouse, tỉnh Yên Bái - tỉnh Val - de-Marne, tỉnh Thừa Thiên - Huế - vùng Grand Poitiers và thành phố Huế - thành phố Rennes.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.