(HNMCT) - Giữa tháng 5-2022, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND, ban hành Quy chế “Quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận” (có hiệu lực từ ngày 27-5-2022).
Quy chế gồm 4 chương, 26 điều, theo đó, “hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được thực hiện theo quy định của pháp luật trên các lĩnh vực, bao gồm: An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông; văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan...”.
Nội dung quản lý rộng lớn nói trên được thể hiện chi tiết qua rất nhiều điều khoản quy định đối với cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động trong không gian đi bộ, trong đó có khoản 5 (Điều 4) “Không mang vật nuôi, gia súc, gia cầm vào trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.
Sau khi Quy chế được ban hành, báo chí chọn vấn đề đáng chú ý để thông tin tới bạn đọc. Khá nhiều nơi chọn khoản 5 Điều 4 nói trên và có cách “rút tít” gây chú ý, cho thấy vấn đề thả rông vật nuôi, đặc biệt là chó, ở nơi công cộng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trên mạng xã hội, bình luận về quy định nói trên, nhiều người tỏ ý đồng tình khi cho rằng từ lâu, “vấn nạn chó thả rông và hệ lụy” đã được các phương tiện truyền thông cảnh báo, Chính phủ và bộ, ngành liên quan đã ban hành quy định cụ thể nhưng số vụ chó dữ tấn công người vẫn xảy ra, gây thảm họa...
Dễ hiểu về cảm giác không hài lòng của người dân bởi trong nhiều năm qua, số vụ chó cắn chết người không phải là ít. Như gần đây nhất, ngày 6-6, có tin một bé trai 8 tuổi ở Tuyên Quang “bị chó cắn lộ cả xương sọ”; cuối tháng 5 vừa qua, một nam sinh lớp 9 ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tử vong sau 1 tháng bị chó dại cắn; ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam), 3 trẻ nhỏ đang chơi thì bị chó tấn công, trong đó một bé 4 tuổi tử vong sau đó ít giờ... Chuyện cấm chó tại không gian đi bộ tại Hà Nội, vì thế, nhanh chóng được mở rộng về không gian và thời gian, trở lại với câu hỏi: Vì sao quy định có nhiều, khá đầy đủ - bao gồm cả hình thức chế tài, mà vấn nạn thả rông chó vẫn không thuyên giảm? Nguyên nhân có phải là chúng ta tuyên truyền chưa đủ mức cần nên nhiều người chưa hiểu luật, chưa rõ về tác hại của việc thả rông chó ra đường?
Có lẽ, cần phải khẳng định rằng, lý do nói trên là chưa thuyết phục. Sau bao vụ việc đau lòng xảy ra, rất khó nói là cộng đồng không nhận thức được mối nguy của việc thả rông chó. Bằng chứng là dư luận đã nhiều lần “nổi sóng” khi có người bị chó dữ tấn công; ở các khu dân cư, không thiếu ý kiến phàn nàn về chất thải từ chó ở không gian công cộng cũng như việc chủ nuôi dẫn chó ra sân chơi chung, vườn hoa, thậm chí vào cả hàng ăn mà không đeo rọ mõm cho chúng...
Bởi thế, vấn đề phụ thuộc nhiều hơn vào hành động của cơ quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật cũng như quyết tâm của cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý hành vi vi phạm. Khi nhiều cá nhân có biểu hiện “nhờn luật”, coi thường kỷ cương thì cần phải có biện pháp mạnh đủ sức răn đe. Như tại Mỹ, Canada, Anh..., chủ nuôi không tuân thủ luật pháp liên quan hay để chó cắn người ở nơi công cộng thì tùy trường hợp có thể bị phạt hành chính số tiền lên tới hàng nghìn đô la Mỹ, thậm chí bị phạt tù nếu gây hậu quả nặng nề.
Trong vòng 15 năm qua, ít nhất chúng ta đã trải qua hai đợt “tổng tiến công” đối với hành vi không tuân thủ quy định về nuôi và đăng ký vật nuôi, không tiêm phòng bệnh dại cho chó. Đó là năm 2009 và năm 2017, khi lần lượt Bộ NN và PTNT ban hành Thông tư số 48 hướng dẫn biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật và Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y chính thức có hiệu lực. Nhưng sau những “giờ G”, “đợt phát động”..., thực tế không cho thấy sự chuyển biến tích cực như mong đợi mà hạn chế lớn nhất là giải pháp kiểm tra, xử lý vi phạm còn nhiều bất cập. Bởi thế, từ nay, cần phải kiên quyết áp dụng biện pháp xử lý mạnh tay, đủ sức răn đe để các chủ nuôi không còn dám coi thường luật pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.