Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biểu diễn nghệ thuật khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận: Thêm điểm nhấn trong sự hài hòa

An Nhi| 07/08/2022 06:15

(HNM) - Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật từ truyền thống đến đương đại tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đang trở lại sôi động, nhất là vào dịp cuối tuần. Ngoài những chương trình, đơn vị biểu diễn quen thuộc, không gian này có thêm những điểm nhấn mới, tạo sức hút và đem lại hành trình trải nghiệm hấp dẫn cho người dân, du khách, song vẫn bảo đảm sự hài hòa trong tổng thể.

Một trích đoạn nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Tuồng Việt Nam tại sân khấu khu vực đền Hương Tượng (phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoàng Anh

Những chương trình níu chân du khách

Vào các tối cuối tuần, dạo một vòng quanh không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, người dân và du khách sẽ bị níu chân bởi nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật mới, hấp dẫn. Quanh hồ Hoàn Kiếm có nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn âm nhạc truyền thống tại khu vực Tượng đài Vua Lê; Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn trích đoạn, vở kịch ngắn trước cửa Rạp Công Nhân; Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội biểu diễn ca nhạc tại khu vực đồng hồ hoa Thụy Sĩ; Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội biểu diễn tại khu vực Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh; Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn ở sân khấu phía trước đền Bà Kiệu; Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng phục vụ nhiều tiết mục đặc sắc trước cửa rạp...

Trong phố cổ, Nhà hát Tuồng Việt Nam giới thiệu các trích đoạn nghệ thuật truyền thống tại khu vực đền Hương Tượng (64 Mã Mây). Tại đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm) có biểu diễn hát văn. Tại đền Quan Đế (28 Hàng Buồm) có chương trình nghệ thuật của Câu lạc bộ Truyền thống phố cổ. Ở đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) có biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Câu lạc bộ Âm nhạc dân gian Tâm Việt. Khu vực Ô Quan Chưởng là nơi Câu lạc bộ Âm nhạc truyền thống Thăng Long đặt sân khấu. Còn khu vực giao lộ như ngã năm Đông Thái, ngã tư Đinh Liệt - Gia Ngư có các hoạt động biểu diễn âm nhạc đương đại.

Ngoài ra, vào các chiều thứ sáu cách tuần, sân khấu kịch Quảng Lạc (8B Tạ Hiện) của Nhà hát Kịch Hà Nội khiến khán giả cười ngả nghiêng với những tiểu phẩm hài. Thứ bảy tuần giữa tháng, nhóm Đông Kinh cổ nhạc gồm nhiều gương mặt gạo cội thể hiện những tiết mục đặc sắc tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ)... Còn Nhà hát Cải lương Việt Nam đang trao đổi với Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội để thực hiện ý tưởng biểu diễn một số vở thực cảnh tại Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm). Ở đó, không gian Hội quán trở thành sân khấu và nghệ sĩ cải lương biểu diễn xung quanh người xem…

Chị Nguyễn Minh Ngọc (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) sau khi cùng gia đình tham gia các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào dịp cuối tuần cho biết, chỉ một đêm, gia đình chị được trải nghiệm vẻ đẹp phố cổ và thưởng thức âm nhạc vô cùng đặc sắc và khó quên. Với những chương trình mới, hấp dẫn, các đơn vị nghệ thuật đã tạo sức hút và đem lại hành trình trải nghiệm ấn tượng cho du khách...

Du khách theo dõi tiết mục biểu diễn của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Quang

Nâng chất lượng, tạo dấu ấn

Không chỉ người dân và du khách, các đơn vị, tổ chức nghệ thuật cũng hào hứng hòa mình vào không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Quỳnh Liên (Nhà hát Tuồng Việt Nam) bày tỏ: “Biểu diễn ở phố cổ chúng tôi được đến gần với khán giả hơn. Những tiếng vỗ tay, sự trầm trồ của người dân và du khách quốc tế, hay sự theo dõi chăm chú của khán giả trẻ là động lực cho nghệ sĩ theo đuổi nghề, nâng cao chất lượng phục vụ”. Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn nhận định, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là nơi có đông du khách trong và ngoài nước, nên việc biểu diễn nghệ thuật tuồng miễn phí giúp đơn vị giới thiệu nét đặc sắc, hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật truyền thống này, từ đó thu hút mọi người tìm đến những vở diễn đầy đủ, trọn vẹn tại sân khấu của nhà hát.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cần có thêm những sân khấu biểu diễn nghệ thuật với cách tiếp cận mới, vừa giới thiệu được tinh hoa văn hóa dân tộc vừa phù hợp với nhu cầu của khán giả, tạo dấu ấn mới, độc đáo cho nơi đây.

Về phía đơn vị quản lý, Phó Trưởng ban Quan lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cũng nhận định, việc tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại không gian hồ Hoàn Kiếm và phố cổ là điểm nhấn thu hút người dân, du khách, đồng thời giúp quảng bá nghệ thuật dân tộc. Khi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận mở ra vào dịp cuối tuần, các đơn vị cần phối hợp quản lý và bố trí những điểm biểu diễn phù hợp với hành trình của khán giả. “Chúng tôi tổ chức đa dạng các loại hình nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của tất cả các đối tượng khán giả và rất muốn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để tạo sự hài hòa cho không gian này. Các hoạt động biểu diễn đều được yêu cầu thường xuyên nâng cao chất lượng. Chương trình chưa tốt sẽ được thay thế bằng những màn diễn đặc sắc, mang tính chuyên nghiệp hơn”, bà Trần Thị Thúy Lan cho biết.

UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 17-5-2022 ban hành Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với những quy định cụ thể dành cho tổ chức, cá nhân tham gia. Đó là cơ sở để góp phần thực hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật vừa hấp dẫn, vừa hài hòa, tạo dấu ấn cho trung tâm Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biểu diễn nghệ thuật khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận: Thêm điểm nhấn trong sự hài hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.