(HNMO) - Sáng nay, 12/11, Quốc hội bắt đầu 2 ngày rưỡi chất vấn với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Nóng nhất trong phiên chất vấn là việc quản lý, điều hành giá xăng, dầu; hàng giả, hàng kém chất lượng.
>> Toàn văn Báo cáo của Chính phủ
Trước khi bước vào phiên chất vấn trực tiếp, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3 của Chính phủ.
Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.
Các nhóm vấn đề được yêu cầu giải trình gồm: việc giải quyết hàng tồn kho, quản lý thủy điện; xử lý tồn đọng bất động sản, giải quyết sự đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu đô thị mới, chất lượng các công trình xây dựng; việc nâng cao y đức, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, vấn đề khám chữa bệnh cho nhân dân, việc thực hiện bảo hiểm y tế, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, quản lý thị trường vàng cùng một số vấn đề khác được cử tri và nhân dân quan tâm.
Mở đầu phần trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tại kỳ họp này, ông nhận được 13 chất vấn, chủ yếu tập trung vào các vấn đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, việc quản lý thị trường, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Đến 1/10/2012: Chỉ số hàng tồn kho giảm còn 20%
Đại biểu Trương Minh Hoàng – Cà Mau “khai pháo” phiên chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bằng vấn đề hàng tồn kho. Theo ông , việc một số mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực xây dựng, có lượng tồn kho lớn, ngoài lý do suy giảm kinh tế còn có nhiều nguyên nhân do yếu kém trong quy hoạch, dự báo tình hình, tham nhũng, lãng phí trong đầu tư đẩy giá sản xuất trong nước cao hơn so với giá nhập ngoại. Ông muốn truy cứu Trách nhiệm và các giải pháp của Bộ Công thương về vấn đề này.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, giải quyết hàng tồn kho đã được xác định là công việc cấp thiết từ kỳ họp thứ 3. Bộ trưởng khẳng định, từ kỳ họp thứ 3 đến nay, với sự cố gắng của cộng đồng các DN và việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ, địa phương, tình hình đã có chuyển biến. Cụ thể, nếu ngày 1/6/2012, chỉ số hàng tồn kho trong công nghiệp, chế biến, chế tạo là 26% thì đến ngày 1/10/2012, chỉ số này giảm còn 20% và nếu so với chỉ số hàng tồn kho của ngày 1/10/2011, tỷ lệ tồn kho năm 2012 còn thấp hơn.
“Tồn kho lớn tập trung vào một số chủng loại như phân bón, sắt, thép và một ít than đá”, Bộ trưởng nói.
Hướng xử lý với các mặt hàng này như sau: Với than đá, áp dụng việc giảm giá, giảm thuế xuất khẩu, dự kiến cuối năm nay đưa tồn kho than về mức bình thường; Với thép, lượng tồn kho tương đối cao do việc sản xuất trong nước chưa được kiểm tra chặt chẽ theo quy hoạch, lượng thép nhập ngoại tăng do giá thấp hơn nên Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì cấp giấy phép nhập khẩu tự động với thép công nghiệp và đang xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu với thép, đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các dự án. Với phân bón, lượng phân đạm và NPK tồn kho tương đối lớn nhưng đã sắp vào vụ đông xuân nên sẽ giải quyết được.
Về tồn kho vật liệu xây dựng có liên quan đến bất động sản, xây dựng, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo có những biện pháp cụ thể trong đó có tăng cường đẩy nhanh các dự án đầu tư công và có tính toán những bước tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản.
Cũng quan tâm đến việc giải quyết hàng tồn kho, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy – Hậu Giang dẫn chứng bằng mặt hàng đường. Theo đại biểu, trong tháng 8 và 9/2012, Bộ Công thương đã cho phép nhập khẩu 70.000 tấn trong khi lượng đường tồn kho vẫn còn và đặc biệt, thời điểm này đang vào vụ thua mua nguyên liệu khiến giá thu mua trong nước giảm, gây thiệt hại cho người nông dân.
Bộ trưởng Bộ Công thương đã làm rõ, việc nhập khẩu đường trên là để duy trì cam kết của Việt Nam khi gia nhập thị trường thế giới. Dù đây là mặt hàng chúng ta được giữ quyền hạn ngạch thuế quan, nhưng mỗi năm, vẫn phải duy trì một lượng nhập khẩu tối thiểu.
“Theo cam kết năm 2012, đáng lẽ chúng ta phải cấp hạn ngạch nhập hơn 100.000 tấn, nhưng ta mới cấp có 70.000 tấn. Hạn ngạch này được đưa ra trên cơ sở đã có sự bàn bạc, tham khảo với Bộ NNPTNT, Hiệp hội mía đường”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, lượng nhập khẩu ước thực hiện là 65.000 tấn, nếu so với 1 triệu tấn tiêu thụ của cả nước thì tỷ lệ này không lớn lắm. Thời gian tới, nếu khâu điều hành, công bố hạn ngạch nhập khẩu đường có khiếm khuyết thì Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Chống hàng giả, hàng nhái: Còn nhiều việc chưa làm được
Tuy không phải là vấn đề mới nhưng thực trạng hàng giả, hàng nhái lưu thông tràn lan trên thị trường, không được kiểm soát chặt chẽ đã được các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang, Nguyễn Ngọc Phương – Quảng Bình, Nguyễn Thị Hồng Hà – Hà Nội… “hâm nóng” tại diễn đàn Quốc hội bằng những chất vấn mới.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhận trách nhiệm trước nhân dân về việc để hàng giả, hàng nhái vẫn được lưu thông trên thị trường. Ông thừa nhận, tình trạng này đã tồn tại tương đối dài, Bộ đã làm được nhiều việc nhưng cũng còn nhiều việc “chưa làm được”.
“Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý Nhà nước về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…. Chúng tôi đã hết sức cố gắng nhưng đúng là những hạn chế trong quản lý thị trường cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái còn được lưu thông”, Bộ trưởng nói.
Ngoài các giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng khâu quản lý thị trường, Bộ trưởng cho biết cũng phải kiểm soát chặt việc nhập khẩu.
“Chúng ta đã có những quy định pháp lý về kiểm soát hàng nhập khẩu, dù là chưa được đầy đủ. Nếu nhập khẩu qua con đường chính ngạch thì có thể ngăn chặn được hàng độc hại, kém chất lượng... Tuy nhiên, phần nhiều hàng hóa này nhập vào được là qua buôn lậu, qua các đường mòn, lối mở biên giới chưa kiểm soát được hết. Vấn đề sắp tới là cần phải tăng cường khâu kiểm soát nhập khẩu”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo chống hàng lậu, hàng giả từ trung ương tới các địa phương nhưng sự phối hợp giữa các ban này còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ và việc xử lý những hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe nên tái phạm còn nhiều, điều kiện thực thi công vụ còn nhiều bất cập... Đây chính là những hạn chế đồng thời là những hướng mà thời gian tới phải khắc phục, trong đó Bộ Công thương phải là cơ quan đi đầu.
Bộ trưởng cũng cho rằng, thái độ của người tiêu dùng cũng rất quan trọng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Nếu người tiêu dùng nói không với hàng kém chất lượng, không tiêu thụ các loại hàng này thì cũng là góp sức chống hàng giả, hàng kém chất lượng, độc hại.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết, người tiêu dùng đã được nghe quá nhiều những khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn về hàng hóa không an toàn, kém chất lượng, nhưng họ chưa có công cụ để phân biệt được hàng kém chất lượng, hàng tốt, để có thể trở thành người tiêu dùng thông thái. Chính phủ nên công bố loại hàng nào nên và không nên sử dụng để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn, đồng thời phải đưa hàng hóa trong nước chiếm lĩnh được thị trường trong nước.
Nhất trí với quan điểm của đại biểu Hà, Bộ trưởng cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, Chính phủ đã định kỳ công bố những danh mục sản phẩm là nguyên vật liệu, vật tư trong nước sản xuất được để giúp người tiêu dùng, nhà sản xuất nắm bắt được địa chỉ, sản phẩm cụ thể mà các doanh nghiệp trong nước đã làm được, đảm bảo cạnh tranh cả giá cả, chất lượng, mẫu mã, quy chuẩn kỹ thuật… Thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường hơn nữa công việc này, giúp người tiêu dùng có thêm thông tin lựa chọn và giúp quảng bá hàng Việt Nam.
“Muốn gì thì đầu tiên cũng phải là vấn đề chất lượng sản phẩm. Chính phủ đã thông qua nhiều chương trình sản phẩm quốc gia. Nếu thực hiện tốt thì mục tiêu sản xuất sản phẩm trong nước đáp ứng được yêu cầu và vươn ra được bên ngoài sẽ được thực hiện”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu, Chính phủ cần có lộ trình công bố chất lượng từng loại sản phẩm và phải coi đây là vấn đề quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Làm mạnh, đồng bộ các chương trình xây dựng thương hiệu cho gạo
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang về hoạt động xuất khẩu gạo, xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, ước tính năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 7,5-7,6 triệu tấn gạo, một con số đáng tự hào. Tuy nhiên, đúng là giá gạo Việt Nam chưa phù hợp, còn thấp so với giá gạo một số nước như Thái Lan. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân do loại gạo chất lượng cao xuất khẩu còn hạn chế, xuất hiện nhiều thị trường xuất khẩu gạo mới gây sức ép về cung-cầu, vấn đề thương hiệu gạo Việt Nam…
“Thời gian qua, chúng tôi cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm được một số ít việc, chưa phải nhiều, bắt đầu từ khâu giống, khuyến cáo bà con không nên quá chạy theo loại gạo năng suất cao nhưng không có chất lượng tốt; đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm gạo, từng bước tạo hình ảnh gạo Việt Nam trên trường thế giới và khu vực; cố gắng ký các hợp đồng tiêu thụ gạo dài hạn…”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Việt Nam đã gia hạn được các hợp đồng xuất khẩu gạo với mức 1,5 triệu tấn/năm với Philippin, Indonesia và các hợp đồng xuất khẩu khối lượng lớn với một số nước khác.
Tuy nhiên, theo đại biểu Bé, để xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm gạo, còn cần nhiều việc phải làm và cần có sự hỗ trợ lớn hơn từ phía Nhà nước.
Bộ trưởng đồng tình, xây dựng thương hiệu thì một mình doanh nghiệp làm sẽ khó khăn, cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì vậy, Chính phủ và Bộ Công thương đã có những hoạt động xúc tiến thương mại. Nhưng vừa qua, những hoạt động này chưa được làm tốt, Bộ chưa thể hiện rõ vai trò phối hợp, dẫn dắt, bàn bạc với doanh nghiệp xem họ cần hỗ trợ gì trong xây dựng thương hiệu. Thời gian tới, Bộ sẽ khắc phục hạn chế này.
Cùng tham gia giải đáp về thương hiệu, chất lượng nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, thực chất của xây dựng thương hiệu là nâng cao và duy trì chất lượng hàng hóa. Chính phủ đã chỉ đạo 4 khâu: chọn và phổ biến các giống chất lượng cao; tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn để có hàng hóa lớn, đồng đều, giá thành rẻ; hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân xây dựng kho và dự trữ, bảo quản ổn định chất lượng; xúc tiến thương mại.
“Cả 4 việc đã có chương trình, vấn đề là cần phải làm mạnh và đồng bộ hơn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, sau 23 năm xuất khẩu gạo, nước ta đã chuyển dần từ nước xuất khẩu gạo chất lượng thấp sang trung bình và cần tiếp tục nâng cao chất lượng theo hướng này.
Không có động thái “linh hoạt” điều hành giá xăng dầu trước thềm chất vấn
Vấn đề xăng dầu kém chất lượng, điều hành giá còn nhiều bất cập, việc lợi dụng tạm nhập, tái xuất xăng dầu để trục lợi…đã được nhiều đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Công thương.
Đại biểu Đỗ Văn Đương – TP. Hồ Chí Minh băn khoăn không hiểu việc “giá xăng dầu giảm ở kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sau đó tăng vùn vụt, hôm qua lại giảm 500 đồng, liệu đây là ngẫu nhiên hay là biện pháp linh hoạt trước thềm chất vấn?”.
Bộ trưởng Công thương khẳng định, đây “chắc sự trùng hợp ngẫu nhiên.
“Với góc độ trách nhiệm được Quốc hội, Chính phủ giao, không thể có động thái “linh hoạt” như vậy, giá thế giới giảm thì chúng ta phải giảm”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, hiện Nhà nước vẫn kiên trì chủ trương thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng đúng là khâu điều hành còn có bất cập, thời gian điều chỉnh việc tăng-giảm giá, thời điểm quyết định tăng-giảm giá xăng dầu và một số quy định trong Nghị địn 84 không còn phù hợp. Chính phủ đang chỉ đạo xem xét và sửa đổi lại, trong đó có các quy định về quỹ bình ổn giá, tần suất 30 ngày để tính giá cơ sở... Nghị định sửa đổi sẽ được trình Chính phủ trong tháng 12.
Về tạm nhập tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, những năm vừa qua có tình trạng các doanh nghiệp tái xuất không hết lượng tạm nhập. Thống kê cho thấy, lượng tạm nhập nhưng để lại sử dụng chiếm 15% tổng nhu cầu tiêu dùng
Theo quy định pháp luật, xăng dầu không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu nên có thực tế một lượng nhất định xăng dầu tạm nhập được để lại sử dụng, việc này do cơ quan hải quan xem xét, quyết định và chỉ có các doanh nghiệp đầu mối mới được thực hiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, có dấu hiệu lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để trục lợi và buôn lậu, không nộp thuế nhập khẩu.
“Chúng ta vẫn cần thiết phải duy trì hoạt động tạm nhập tái xuất xăng, dầu nhưng phải thắt chặt quản lý hoạt động này”, Bộ trưởng nói.
Tham gia giải trình thêm về quỹ bình ổn giá, chống tạm nhập-tái xuất, xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, ở khâu điều hành giá, Bộ Công thương và Tài chính đã làm rất đúng các quy định hiện hành. Năm nay, Chính phủ đã điều chỉnh giá xăng dầu 12 lần, trong đó có 6 lần giảm, 6 lần tăng, kịp thời với giá thế giới nhưng không làm xuất hiện tăng giá tâm lý, CPI vẫn ở mức thấp.
Về nghi vấn đại biểu Đương nêu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: “Đúng là cứ Quốc hội họp thì giá giảm, anh em chúng tôi nói vui với nhau, giá Quốc hội họp nhiều thì anh em nhàn”.
Về tạm nhập, tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, chính sách tạm nhập tái xuất là cần thiết nhưng nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách này để trục lợi do khi tạm nhập chưa phải nộp thuế, khi tái xuất mới phải nộp. Nghị định mới sửa đổi sẽ bỏ ân hạn nộp thuế, khi tái xuất sẽ bồi hoàn sau.
Về quỹ bình ổn giá, Bộ đang đề xuất 2 phương án: hoặc tập trung về một đầu mối quản lý hoặc vẫn để ở doanh nghiệp nhưng có tính lãi suất.
Liên quan đến lỗ lãi, mức lương “khủng” của lãnh đạo tập đoàn Petrolimex, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cho biết, qua kiểm toán năm 2011, Petrolimex lỗ hơn 1.400 tỷ đồng, riêng xăng dầu lỗ hơn 2000 tỷ đồng. Tiền lương bình quân của cán bộ tổng công ty là hơn 6 triệu đồng/tháng, riêng lương lãnh đạo tập đoàn như sau: Chủ tịch là 58 triệu đồng, các ủy viên HĐQT từ 40-42 triệu đồng. Mức lương lãnh đạo năm 2011 so với năm 2010 có thấp hơn.
Đang khắc phục bất cập về công tác di dời, tái định cư ở các dự án thủy điện cũ
Các đại biểu Nguyễn Thái Học – Phú Yên, Tô Văn Tám – Kon Tum đã chất vấn Bộ trưởng Công thương về việc giải quyết chính sách, cải thiện đời sống cho người dân tại vùng có triển khai các dự án thủy điện cũ và mới.
Theo Bộ trưởng Công thương, vừa qua, Chính phủ đã có chính sách đột phá về đền bù, tái định cư khi thực hiện các dự án thủy điện, trong đó giao địa phương thực hiện việc di dời, tái định cư, rà soát, lập danh sách, phân bổ, sắp xếp lại quyền sử dụng đất, trong đó có đất tái định cư... Đồng thời, bên cạnh các cơ chế chính sách chung, các cơ chế chính sách đặc thù cũng đã được thực hiện với các dự án thủy điện, ví dụ như người dân có 30% đất bị ảnh hưởng cũng được đưa vào đối tượng di dân đến nơi ở mới; quan tâm giải quyết việc làm phù hợp với trình độ dân trí, khả năng tiếp cận công việc của người dân bằng các đề án khuyến công, khuyến nông, tạo dựng các khu công nghiệp để thu hút người dân vào làm việc...
Tuy nhiên, đại biểu Học cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng “chưa thật rõ, mới đề cập đến những dự án đang triển khai”, còn với những dự án đã triển khai lâu thì chưa có hướng xử lý.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, ở những dự án thủy điện cũ vẫn còn tồn tại một số nhu cầu rất chính đáng của nhân dân ở khu vực đó như về điện, công ăn việc làm, đời sống… Đây là thực tế và là bức xúc cần phải giải quyết đến nơi đến chốn.
Cùng với những cơ chế đặc thù áp dụng cho những dự án đang ây dựng hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo từng bước xem xét nhu cầu bà con ở những thủy điện cũ, nhưng đúng là “chưa đủ sức”. Bộ trưởng hứa sau kỳ họp này, Bộ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nơi có dự án cũ để khảo sát và đề xuất những hướng giải quyết cụ thể.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, vừa qua, Bộ đã kiểm tra một số địa điểm, tập trung vào những nơi mà Tập đoàn điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, để có những giải pháp kịp thời. Hiện Tập đoàn đang phối hợp cùng địa phương giải quyết khó khăn cho người dân, nếu vẫn chưa đáp ứng được đời sống nhân dân thì Chính phủ sẽ phải xem lại khâu quy hoạch, tái định cư cho phù hợp.
Về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A “bị quên” rà soát loại khỏi quy hoạch dù liên quan đến rừng đặc dụng trong chất vấn của đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai, Bộ trưởng Công thương cho biết, đây là dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng, đang trong quá trình báo cáo tác động môi trường dự án, chưa thẩm định nên chưa thể loại bỏ.
“Với quy mô dự án lớn, sau khi Bộ TNMT thẩm định thấy dù rằng hiệu quả kinh tế lớn nhưng tác động xã hội, môi trường là không thể bỏ qua được thì chắc chắn sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cân nhắc và dừng dự án lại”, Bộ trưởng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.