Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có đất vẫn cấp "sổ đỏ"

Thanh Hải - Dương Hiệp| 15/09/2014 06:08

(HNM) - Đã được cấp


Chưa có đất đã có "sổ đỏ"

Trong đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, 14 hộ dân thuộc các thôn Yên Thịnh, Hà Tân, Văn Miếu, Đông Sành, Đoài Giáp ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) trình bày: Năm 2003, UBND thị xã Sơn Tây và UBND xã Đường Lâm thực hiện chủ trương giao đất giãn dân cho các hộ ở làng cổ Đường Lâm. Địa điểm thực hiện giao đất giãn dân thuộc các khu vực: Yên Ngựa, Gò Bố Về. Ngay khi có quyết định phê duyệt, các hộ dân đã hoàn thiện thủ tục, đóng góp nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Thế nhưng, đã 11 năm trôi qua, việc giao đất giãn dân đối với các hộ dân ở xã Đường Lâm vẫn chỉ là chiếc "bánh vẽ", chưa hộ nào được tận mắt thấy lô đất của mình. Lạ lùng hơn thế, khi người dân chưa nhận được đất tại thực địa thì Phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Sơn Tây đã cấp "sổ đỏ" cho những hộ dân này. Thấy biểu hiện khuất tất, các hộ dân đã nhiều lần đề nghị UBND xã Đường Lâm, UBND thị xã Sơn Tây giải quyết, nhưng sự việc vẫn "dậm chân tại chỗ" với lý do "các cán bộ cũ ở xã và thị xã thời kỳ đó giờ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác" (!?).

Ông Nguyễn Khắc Đàm đã được cấp "sổ đỏ" nhưng chưa bao giờ nhìn thấy lô đất của mình.


Để tìm hiểu sự việc, sáng ngày 10-9, phóng viên Báo Hànộimới đã về Đường Lâm. Đưa chúng tôi xem GCNQSD đất số: 595633 do Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Hà Văn Đông ký ngày 21-10-2010, số thửa 119 với diện tích 60m2, tại khu Gò Bố Về, ông Nguyễn Khắc Đàm, thôn Đông Sàng, bức xúc: "Năm 1994, khi xã có chủ trương cấp đất giãn dân, gia đình tôi khi đó có 9 nhân khẩu, rất khó khăn về chỗ ở nên được lãnh đạo xã phê duyệt. Tôi phải chạy vạy khắp nơi, mới vay đủ số tiền 24.240.000 đồng để nộp vào Kho bạc thị xã Sơn Tây và UBND xã Đường Lâm. Theo giải thích của lãnh đạo xã, đây là tiền thuế sử dụng đất và tiền xây dựng cơ sở hạ tầng như san nền, làm hệ thống thoát nước cho khu giãn dân. Đóng tiền rồi chúng tôi chờ đợi, đến khi hết kiên nhẫn lên hỏi UBND xã thì chỉ nhận được câu trả lời "đang giải quyết". Năm nào cũng thế, mấy chục hộ gia đình cũng kéo nhau ra ủy ban xã nhưng đều bị khất lần. Mãi đến ngày 29-10-2010, chúng tôi nhận được giấy mời của xã, yêu cầu gia đình đến nhận đất tại thực địa khu Gò Bố Về, kèm theo ghi chú "gia đình chuẩn bị 4 cọc tre dài 0,5m để cắm mốc". Thế nhưng, khi ra thực địa thì chỉ là một cái ao chưa san lấp nên không thể cắm mốc được. Vài ngày sau đó, xã cử cán bộ địa chính mang GCNQSD đất tới tận nhà cho gia đình. Cầm "sổ đỏ" trong tay rồi mà gần 4 năm nay, chúng tôi vẫn không biết lô đất mình sở hữu nằm ở vị trí nào".

Ông Lê Quang Trung, 54 tuổi, ở thôn Hưng Thịnh, xã Đường Lâm cũng cho biết: Thực hiện quyết định của UBND xã, năm 2003, gia đình ông đã bàn giao 200m2 trong tổng số 249m2 đất nông nghiệp để làm khu giãn dân. Bù lại, gia đình đã được duyệt cấp một lô đất để làm nhà ở đợt 2. Ngày 31-12-2003, gia đình đã nộp vào Kho bạc Sơn Tây số tiền là 24.240.000 đồng (bao gồm tiền cấp GCNQSD đất và lệ phí trước bạ). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, ông Nguyễn Đức Lộc, khi đó là Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm đã mời đại diện gia đình ký tên vào trích lục bản đồ thửa đất số 46, lô 2 khu giãn dân xứ đồng Yên Ngựa thuộc địa bàn xã Đường Lâm quản lý. Thế nhưng, 11 năm đã trôi qua, gia đình chưa nhận được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến quyền sử dụng đất ngoài giấy biên nhận việc đóng tiền. Ông Trung nhấn mạnh: "Hiện nay, chúng tôi được biết thửa đất số 46, lô 2 lẽ ra thuộc về gia đình tôi nhưng lại được cấp GCNQSD đất cho người khác".

Bà Phan Thị Bích Thủy ở địa chỉ thôn Đoài Giáp, được cấp GCNQSD đất số: 453887, ngày 5-2-2010, số thửa 118, tờ bản đồ số 0 nhưng chưa được giao đất tại khu Gò Bố Về cho biết thêm: "Số tiền hơn 24 triệu đồng người dân phải nộp thời điểm đó là một gia tài lớn (tương đương 3,5 cây vàng), trong đó có trích lại cho xã 12 triệu đồng để san nền, làm đường, hệ thống thoát nước cho khu giãn dân. Tuy nhiên, đến giờ các hạng mục đó mới chỉ làm được một phần rất nhỏ. Người dân chất vấn cán bộ xã đương nhiệm thì họ trả lời "xã cũng không biết số tiền đó đâu hiện giờ ở đâu, đã dùng vào việc gì".

Sự tắc trách của chính quyền địa phương


Theo chỉ dẫn, nhóm phóng viên đã trực tiếp "mục sở thị" khu Gò Bố Về - nơi được chọn làm vị trí giao đất giãn dân. Đây là khu đất rộng, trước kia là ruộng trũng, ao sâu ở ngay bìa làng cổ. Chỉ lác đác có vài hộ xây nhà còn lại là gò đống, phía sâu là một cái ao khá rộng. Điều ngạc nhiên, vị trí lô đất của ông Nguyễn Khắc Đàm và một số hộ dân khác được UBND thị xã Sơn Tây cấp "sổ đỏ" lại đang thuộc quyền sở hữu của ông Phạm Văn Xuân, ở thôn Đoài Giáp. Tìm gặp ông Xuân, chúng tôi được biết, gia đình ông đã được cấp GCNQSD đất số 00051, với diện tích 1.908m2, cấp ngày 29-9-1999. Từ đó đến nay, gia đình ông làm trang trại, chưa có bất cứ văn bản nào về việc thu hồi đất của gia đình để sử dụng vào mục đích giãn dân.

Như vậy, điều trái khoáy là vì sao chỉ một thửa đất lại 2 lần được cấp "sổ đỏ"? Đem thắc mắc đó trao đổi với ông Giang Mạnh Hoằng, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, chúng tôi nhận được câu trả lời: "Xã đã làm hết trách nhiệm. Việc cấp GCNQSD đất diễn ra từ trước, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo tiền nhiệm. Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi chỉ ghi nhận và báo cáo cơ quan cấp trên là UBND thị xã Sơn Tây đề nghị xem xét giải quyết". Còn về số tiền các hộ dân đã nộp cho xã để làm cơ sở hạ tầng khu vực này, nhưng đến nay có đến 80% khối lượng công việc chưa thực hiện được, ông Hoằng cho biết, khi giữ cương vị Chủ tịch xã, ông không được bàn giao và cũng không biết đến số tiền này (!?).

Tại UBND thị xã Sơn Tây, làm việc với chúng tôi những vấn đề liên quan đến bức xúc của người dân Đường Lâm, ông Bùi Hữu Nam, Phó Văn phòng UBND thị xã cho rằng: "Những vấn đề này thị xã biết và đã có sự chỉ đạo. Công việc của ủy ban nhiều nên lãnh đạo phải giải quyết nhiều công việc khác nữa". Ông Nam cũng cho biết thêm, ngày 6-11-2013, UBND thị xã Sơn Tây đã có quyết định thành lập Tổ công tác giải quyết đơn thư của các hộ dân, với sự tham gia của các phòng ban chức năng và do ông Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm làm Tổ trưởng. Ngày 13-3-2014, Tổ công tác đã có báo cáo việc rà soát quy hoạch, thực trạng quản lý và sử dụng đất tại khu vực này. Theo đó, tổng số hộ đã được UBND thị xã xét duyệt cấp đất tại khu Gò Bố Về là 115 hộ, tương đương với 115 lô đất. Số hộ đã nhận được đất và đã được cấp GCNQSD đất là 73 hộ. Số hộ nhận được đất nhưng chưa được cấp GCNQSD đất là 32 hộ. Có 7 hộ được cấp GCNQSD đất nhưng chưa nhận được đất và còn lại là chưa được giao đất và cấp GCNQSD đất. Tổ công tác cũng khẳng định, qua xem xét, nghiên cứu hồ sơ còn lưu lại tại UBND xã Đường Lâm và do các phòng ban cung cấp cũng như kiểm tra tại thực địa thì việc cấp đất giãn dân khu Gò Bố Về vô cùng phức tạp. Hiện trạng sử dụng đất, quản lý nhà nước về đất đai ở khu vực này có nhiều mâu thuẫn, bất cập; Hồ sơ không khớp với thực tế, quy trình cấp đất ở xã chưa phù hợp với quy định của pháp luật, thời gian giải quyết kéo dài chưa dứt điểm; Hiện trạng sử dụng đất đai biến động nhiều. Tổ công tác đã đề nghị UBND thị xã Sơn Tây chỉ đạo các phòng, ban tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại ở khu vực này để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc UBND thị xã Sơn Tây có đặt thời hạn để giải quyết dứt điểm những tồn đọng này hay không? Ông Nam phân trần: "Sự việc phức tạp nhưng quan điểm của lãnh đạo thị xã là hết sức cố gắng. Cuối tháng 9 này, Tổ công tác sẽ hoàn thành một báo cáo nữa về những vấn đề liên quan đến khu đất giãn dân Gò Bố Về".

Rõ ràng, ở đây có sự quan liêu của chính quyền địa phương. Khiếu kiện xảy ra suốt một thời gian dài, người dân tố cáo những vi phạm trong quản lý đất đai là có cơ sở khẳng định nhưng thay vì giải quyết dứt điểm, lãnh đạo ở cả hai cấp (xã Đường Lâm và thị xã Sơn Tây) lại đùn đẩy, né tránh, và đổ lỗi cho cán bộ tiền nhiệm. Vậy, không biết đến bao giờ những người dân ở Làng cổ Đường Lâm mới có được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có đất vẫn cấp "sổ đỏ"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.