(HNM) - Chiều 8-6, Tổng giám đốc Đài THVN công bố với báo giới: VTV tạm dừng kế hoạch phát sóng bộ phim
Thực ra, không riêng gì "Lý Công Uẩn-Đường đến thành Thăng Long", một số phim truyện lịch sử đã chiếu ngoài rạp hay phát trên sóng truyền hình cũng có không ít vấn đề...
Thế giới tồn tại hai quan niệm về làm phim lịch sử: thứ nhất là phim lịch sử phải tôn trọng sự thật lịch sử, thứ hai là lịch sử chỉ là chất liệu và các nhà làm phim có thể hư cấu để gửi gắm được điều họ muốn nói. Quan niệm thứ nhất được nhiều người ủng hộ đối với những phim về anh hùng dân tộc, sự kiện lớn trong lịch sử. Quan niệm thứ hai cũng có sự ủng hộ bởi lịch sử khi được nghệ thuật hóa sẽ tạo ra hình tượng, như thế tác phẩm sẽ có sức sống lâu bền. Với các nhà làm phim Việt Nam, tùy theo kịch bản viết về nhân vật nào, giai đoạn nào họ sẽ làm theo cách thứ nhất hoặc cách thứ hai. Song trên thực tế phần lớn cả hai cách đều được sử dụng, nhất là những phim mà lịch sử còn những khoảng trắng hoặc cách hiện tại quá xa. Ví dụ về Lý Công Uẩn, sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chỉ viết: là người "khoan thứ, nhân từ" sẽ là "bậc minh chủ trong thiên hạ". Nếu không hư cấu thêm rất khó có thể xây dựng được hình tượng nhân vật Lý Công Uẩn trong phim.
Tuy nhiên, dù làm theo cách nào hay theo cả hai cách vẫn phải tôn trọng lịch sử. Không thể thay hình ảnh con rồng triều Lý bằng con rồng triều Nguyễn khi quan niệm về con vật không có thật này ở hai triều đại là khác nhau. Một thực tế không thể phủ nhận, trước kia cũng như hiện nay, Việt Nam thiếu cơ sở vật chất để làm phim đề tài lịch sử, nhất là những đề tài liên quan đến chế độ quân chủ. Chúng ta không có trường quay, các đoàn làm phim không có kinh phí để phục dựng bối cảnh lớn như: lâu đài, thành quách, cũng không có đơn vị nào chuyên cung cấp trang phục theo các giai đoạn lịch sử. Một số phim làm trong thời gian vừa qua nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội dù nhận được những lời động viên nhưng bối cảnh chắp vá, khỏa lấp bằng tiểu xảo điện ảnh nên hiệu quả không cao. Nhiều cảnh trong "Long thành cầm giả ca" như phim sân khấu, bởi nếu làm đúng kiểu điện ảnh, chi phí đội lên rất lớn, điều này làm khó cho nhà đầu tư.
Vẫn biết phải có tấm lòng với dân tộc nhà sản xuất mới bỏ tiền, vẫn biết đạo diễn rất cố gắng, họa sĩ thiết kế bám sát lịch sử, song thế vẫn chưa đủ khi nguồn đầu tư eo hẹp. Chưa bàn đến hay dở nhưng một sản phẩm điện ảnh đầu tiên phải hoàn chỉnh cả về nội dung (trung thực lịch sử) và nghệ thuật mới tạo được ấn tượng tốt trong dư luận xã hội. Nếu không, thiết nghĩ thà không có còn hơn có mà dở…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.