Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chủ quan với bệnh sa sút trí nhớ

An Hà| 06/06/2021 05:10

(HNMCT) - Giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ là điều thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh sa sút trí nhớ đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.

Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.

Ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống

Một người chỉ mới ăn sáng xong khoảng 30 phút nhưng không thể nhớ mình đã ăn gì, có khi còn ăn tiếp vì nghĩ rằng... chưa ăn. Có người nhầm lẫn về thời gian và địa điểm, quên nơi đang định đến và không biết đi đường nào để trở về nhà. Nặng hơn, có người không thể nhớ thứ tự mặc một bộ quần áo hoặc các bước liên quan đến việc nấu một bữa ăn quen thuộc... Đó là những biểu hiện cơ bản của người sa sút trí tuệ.

Thời gian qua, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trường hợp sa sút trí tuệ. Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần “điểm danh” vài ca bệnh điển hình: Một người phụ nữ 65 tuổi cứ 1 - 2h sáng mỗi ngày lại ra khỏi giường, bật điện rồi gọi con cái dậy nấu cơm; bệnh nhân 80 tuổi đêm đến là bật lửa thắp hương, khi con cái hỏi bà định đi đâu thì bà luôn trả lời “bà đi lấy chồng”.

Trên thế giới cứ 3 giây lại có 1 người mắc sa sút trí tuệ. Có 60 - 80% người sa sút trí tuệ mắc bệnh Alzheimer - căn bệnh không thể chữa khỏi và là nguyên nhân thứ 6 dẫn đến tử vong. Ngoài nguyên nhân do Alzheimer, theo Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, sa sút trí tuệ còn có thể do các nguyên nhân khác như rối loạn thần kinh và chấn thương sọ não; bệnh nhồi máu cơ tim, viêm não, xuất huyết não; rối loạn nội tiết như bị mắc đái tháo đường, suy giáp; lạm dụng các chất kích thích, sử dụng thuốc không hợp lý.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Tâm thần người cao tuổi, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết: “Hiện chúng ta chưa có thống kê đầy đủ về số người bệnh sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, tại Viện Sức khỏe tâm thần, số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng lên, đặc biệt là bệnh nhân nữ. Độ tuổi mắc sa sút trí tuệ ngày một trẻ hóa”.

Còn theo Trưởng phòng Người già, Viện Sức khỏe tâm thần Trần Thị Hà An, thực tế cho thấy, bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ không chỉ là người già mà còn là những người bị chấn thương sọ não, béo phì/ đái tháo đường type 2. Ngoài ra, điều đáng lo ngại là kết quả khảo sát những người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ cho thấy, nhóm này hay bị ốm hơn những người thường, số lần phải khám bệnh của những người chăm sóc người bị sa sút trí tuệ tăng lên, phải dùng thuốc nhiều hơn...

Không lạm dụng thuốc bổ não

Theo chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần, có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh sa sút trí tuệ đang lạm dụng thuốc bổ não và có đến 90% bệnh nhân đến Viện Sức khỏe tâm thần khám đều lạm dùng loại thuốc này.

Để phòng ngừa sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, theo Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Văn San, Phòng Tâm thần người cao tuổi, Viện Sức khỏe tâm thần, người dân, kể cả người trẻ, cần thường xuyên hoạt động trí não như đọc sách báo, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy. Người cao tuổi phải thường xuyên tập thể dục, giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ. Khi sử dụng các thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định và tư vấn của các chuyên gia y tế; thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và cần được thăm khám sớm khi có các triệu chứng.

Sa sút trí tuệ là một hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Việc phát hiện sớm các biểu hiện liên quan, đưa bệnh nhân đến khám và chăm sóc tốt tại cơ sở y tế chuyên khoa uy tín có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện chất lượng sống của người bệnh cũng như giúp giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. “Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt bởi mỗi một giai đoạn của bệnh cần có phương pháp điều trị, kiểm soát các triệu chứng riêng”, Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương chia sẻ.

Theo các chuyên gia, hiện chưa có cách nào đảm bảo có thể ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, một số biện pháp như tập thể dục thường xuyên; chế độ ăn uống lành mạnh; hạn chế căng thẳng tâm lý, stress; luôn để trí óc hoạt động; đảm bảo chất lượng giấc ngủ; điều trị các vấn đề về sức khỏe; quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch; không hút thuốc lá... có thể đem lại lợi ích nhất định cho sức khỏe nói chung, và ngăn ngừa các chứng bệnh, trong đó có sa sút trí tuệ. Tuy chưa có cách chữa trị chứng sa sút trí tuệ nhưng việc được chẩn đoán sớm có thể giúp người mắc và gia đình có sự chuẩn bị cho tương lai, giảm gánh nặng. Do đó, các gia đình cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ, theo dõi các triệu chứng để đi khám, chữa bệnh kịp thời. Sự kết hợp giữa thuốc theo chỉ định của bác sĩ và các hoạt động kích thích có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chủ quan với bệnh sa sút trí nhớ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.