(HNM) - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, khi nói tới bản lĩnh chính trị, vấn đề sống còn đối với chế độ, nền tảng vững chắc của Đảng ta giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Nói cách khác, cán bộ, đảng viên phải vững vàng trong mọi chức trách, nhiệm vụ, điều kiện và hoàn cảnh công tác, đưa cơ quan, đơn vị và đất nước hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục tiến lên.
Bản lĩnh chính trị chính là tổng hòa của lập trường chính trị, phẩm chất chính trị, năng lực chính trị, dũng khí chính trị. Bản lĩnh chính trị được thể hiện qua kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ chính trị và trong giải quyết các mối quan hệ công việc hằng ngày, nhằm đạt mục tiêu đã được xác định.
Thực tế, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên kiên trung, vững vàng bản lĩnh chính trị, vẫn còn một số người có chức quyền bị mờ mắt, bị dao động bởi lợi ích riêng; không tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo, quản lý; bất chấp pháp luật; lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền và độc quyền... rồi tìm đủ mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản nhà nước. Vụ việc MobiFone mua cổ phần AVG; vụ việc nâng giá trang thiết bị y tế để thu tiền bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai là vài điển hình của tình trạng trên.
Lại cũng có không ít cá nhân cán bộ, đảng viên lợi dụng những “lỗ hổng” trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm... để bố trí người nhà, người thân vốn ít năng lực, phẩm chất vào bộ máy. Những hành vi “tham nhũng tương lai” này là hết sức nguy hại - như sự việc Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - rất cần được sớm phát hiện để đưa ra ánh sáng.
Những biểu hiện dao động, thiếu vững vàng trong bản lĩnh chính trị còn nhiều như thế song có nơi có lúc việc đấu tranh, vạch trần và xử lý chưa thật rốt ráo, đã và đang có dấu hiệu “trên nóng, dưới lạnh”. Nghị quyết, quyết tâm của cấp trên đã rõ nhưng xuống dưới bị “lạnh” là bởi có sự đùn đẩy trách nhiệm, thiếu dũng khí, không dám nhận diện đúng sai lầm, khuyết điểm để dũng cảm, quyết liệt đấu tranh loại bỏ bởi "e động chạm", "mất tình cảm" thậm chí "mất phiếu bầu"!
Những hiện tượng trên đã gây ra hàng loạt hệ lụy, nguy hiểm nhất là hiện tượng “trở cờ” ở một số không nhỏ cán bộ, đảng viên. Bởi đã dao động, đã ngả nghiêng, mất niềm tin nên họ nhìn chế độ, nhìn xã hội và tương lai đi tới của chế độ xã hội ta toàn một màu đen tối, để rồi lớn tiếng cao giọng phản bác, nói xấu, vu khống trên mạng xã hội, xuyên tạc tình hình trong nước khi trả lời báo chí nước ngoài... Một số mượn danh “trí thức”, “nhà khoa học” phê phán nền tảng tư tưởng và chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyên truyền xây dựng chế độ dân chủ phương Tây, thúc đẩy xã hội dân sự...
Bên cạnh đó, có không ít những cán bộ, đảng viên “đỏ vỏ, xanh lòng”, thiếu bản lĩnh và quyết tâm đấu tranh với tiêu cực, không hoặc cố tình không phân biệt được đâu là đúng đâu là sai, đâu là tiêu cực đâu là tích cực. Thay vì thẳng thắn phê bình đến nơi đến chốn thì họ im lặng, chọn cách "mũ ni che tai, việc ai không biết" để rồi ra khỏi cuộc họp đổi lấy cái tiếng "người hiền lành", người "thương anh em".
Thay vì hành động quyết liệt, triệt để ngăn chặn việc trái, điều xấu thông qua tổ chức Đảng và các hoạt động tập thể, họ lại ngoảnh mặt làm ngơ, kệ "ai làm nấy chịu", để rồi khi xảy ra chuyện thì "trở giọng" xem như mình "vô can", bất chấp trách nhiệm chung với tập thể.
Thay vì lắng nghe kỹ lưỡng, góp ý chân tình, phân tích thấu đáo trên tinh thần đồng chí đồng đội, họ thể hiện thái độ đồng ý, đồng tình trước mặt và trong cuộc họp nhưng lẳng lặng "xì" quan điểm phản bác, chống đối với bên ngoài; thậm chí, không ngần ngại sử dụng cả thủ đoạn gửi đơn thư, bất chấp việc nêu ra là có căn cứ hay không...
Thế nên, để ngăn ngừa, đấu tranh và loại bỏ những cá nhân dao động, ngả nghiêng, thiếu bản lĩnh chính trị, ngoài biện pháp tuyên truyền, nhằm kích hoạt dũng khí đấu tranh thì các cấp ủy, tổ chức Đảng cần kiểm tra, giám sát có chiều sâu, xem xét mối quan hệ giữa bản lĩnh chính trị với việc làm cụ thể để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên. Chỉ có tăng cường kiểm tra, giám sát cá nhân, tập thể đúng quy trình, quy định, tránh làm tắt, làm lấy lệ, làm hình thức; nội dung kiểm tra, giám sát gắn với nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ cá nhân, tập thể mới có thể tìm ra những “cái kim” được che giấu kỹ lưỡng. Kiên quyết phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra như: Nói không đi đôi với làm; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh...
Đặc biệt, cần tiếp tục duy trì và phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đề cao tự phê bình, đấu tranh chống tiêu cực nội bộ và chủ nghĩa cá nhân; chống lựa chọn điển hình và khen thưởng không đúng đối tượng. Mặt khác, cần tăng cường quản lý an ninh, chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện những biểu hiện lệch lạc để có biện pháp ngăn chặn sớm.
Chống những tiêu cực phát sinh trong bộ máy không chỉ cần dũng khí của một người mà phải là của cả tập thể dựa trên nhận thức và hành động đúng đắn, tổng hợp sức mạnh và ý chí tập thể. Một vài cá nhân tránh né, bàn lùi, mang biểu hiện của “ngả nghiêng, dao động” tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức mạnh tổ chức, động lực, đà phát triển đi lên của cả một tập thể, đơn vị.
Sự vững vàng, kiên định của mỗi cán bộ, đảng viên góp phần gia cố, bảo vệ lâu dài cho sự kiên định, vững vàng của Đảng ta, của chế độ ta. Để bảo vệ, tăng cường sự vững vàng, kiên định ấy, không cho phép ai đứng ngoài, đứng trên hay có những biểu hiện "dao động, ngả nghiêng" - dù là nhỏ nhất - trong mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị của chúng ta!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.