Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ là một môn học trong nhà trường

Nguyễn Thanh Tâm| 12/09/2021 05:19

(HNMCT) - Những ngày gần đây, dư luận lại nóng lên bởi những tranh luận về chương trình ngữ văn trong trường học. Xoay quanh vấn đề này, các ý kiến tiếp tục khơi lên những điểm mấu chốt về mục đích - yêu cầu dạy và học môn ngữ văn, khung chương trình, cách lựa chọn tác phẩm - tác giả, cách tổ chức thi cử, đánh giá, nạn văn mẫu và chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của Việt Nam. Theo đó, có thể nhận ra các ý kiến tập trung vào khía cạnh bất cập của chương trình giáo dục ngữ văn hiện hành, kéo theo đó là những ảnh hưởng đến người dạy, người học cùng chất lượng, giá trị mà bộ môn ngữ văn mang lại.

Dạy và học ngữ văn trước hết là tạo ra một môi trường cho việc tiếp nhận, đồng cảm, chia sẻ các giá trị văn chương, đồng thời vun xới hạt mầm tình yêu nghệ thuật, tình yêu thương con người và thế giới (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19). Ảnh: Quang Thái

1. Ngữ văn (cấp Tiểu học là tiếng Việt) đặt trong chương trình giáo dục là một môn học như những bộ môn khác. Việc xác định rõ mục đích, yêu cầu của bộ môn được xem là nền tảng để thiết kế chương trình dạy và học.

Với bản chất là một loại hình nghệ thuật, văn học hướng đến những giao tiếp nghệ thuật góp phần bồi dưỡng tâm hồn con người. Do đó, môn học ngữ văn như một mảnh ghép, một con đường, một gợi dẫn để người học bước chân vào thế giới văn chương. Từ việc học ngữ văn, học sinh - sinh viên có được vốn liếng nhất định để tiếp nhận, nuôi dưỡng các giá trị thẩm mỹ, nhân văn, nhân bản, làm cơ sở cho sự tham dự vào không gian nghệ thuật và đời sống văn hóa tinh thần của xã hội loài người.

Như thế, dạy ngữ văn không phải là đào tạo một nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn (nếu có cũng chỉ là điều đến sau, hoặc như một trong nhiều hình dung về kết quả). Dạy và học ngữ văn trước hết là tạo ra một môi trường cho việc tiếp nhận, đồng cảm, chia sẻ các giá trị văn chương, đồng thời vun xới hạt mầm tình yêu nghệ thuật, tình yêu thương con người và thế giới.

Tiết ngữ văn của học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19). Ảnh: Quang Thái

2. Tôi đồ rằng, với học sinh, bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu (ngữ văn 11) trước hết là khát vọng được sống, được giao cảm với cuộc đời thanh xuân, tươi trẻ. Cuộc đời thì đẹp mà tuổi trẻ thì mau chóng đi qua, thế nên phải vội vàng, phải cuống quýt, phải yêu và thụ hưởng một cách đủ đầy thanh sắc của trần gian. Đó là cái đến trước, cái hiện hữu trong tinh thần người đọc - học sinh. Sau đó, bằng những gợi ý của giáo viên, những tín hiệu, ký hiệu mới dần được giải mã, làm rõ hơn, sâu hơn, định hình xúc cảm và suy tư trừu tượng đã đến trong tâm hồn người đọc.

Tương tự như vậy, ở những tác phẩm khác như “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long), “Những đứa con trong gia đình” (Nguyễn Thi), “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê), “Bức tranh”, “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Bến quê” (Nguyễn Minh Châu)... sẽ đem đến cho người học nhận thức, những rung động về cuộc sống của con người và nghệ thuật.

Dĩ nhiên, những diễn biến đó là trực hiện (từ việc đọc), có thể chưa đủ đầy, thế nên cần sự định hướng, gợi mở từ giáo viên để học sinh tiếp cận sâu hơn vào cấu trúc của văn bản với các bình diện: Hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu, các thủ pháp và phương thức tạo nghĩa... Điều quan trọng nhất là từ việc đọc - hiểu ấy, quá trình hình thành nhân cách, hình thành quan niệm về giá trị sống, giá trị nghệ thuật, những suy tư đồng cảm, phản biện... sẽ được khởi động. Như thế, môn ngữ văn mang đến một mô hình giá trị để từ đó xây dựng một mô hình con người. Vì tính chất thượng tầng của mô hình mà vai trò của thể chế, ngành Giáo dục (hiện thực trực tiếp là sách giáo khoa) trở nên hết sức quan trọng. Xã hội ấy, nhà nước ấy, chế độ ấy, hệ thống giáo dục ấy muốn đào tạo nên một con người thế nào, chính là tư tưởng cần phải được hình dung, ý thức rõ.

Việc lựa chọn tác phẩm, tác giả đưa vào nhà trường, việc định hướng giảng dạy, đọc - hiểu, tổ chức thi cử, đánh giá là quá trình hiện thực hóa tư tưởng bao trùm ấy. Tuy nhiên, sẽ là duy ý chí, siêu hình nếu tư tưởng môn học thiếu đi tính thực tế từ chính việc học, việc dạy. Mô hình đó phải đủ sức linh hoạt để thích ứng và đáp ứng với thực tế của xã hội hiện đại, của toàn cầu hóa, của những vận động mau lẹ, đa dạng mà con người (ở đây là học sinh, giáo viên) đang trực tiếp trải nghiệm. Mô hình con người thời phong kiến khác con người thời cận hiện đại - hiện đại - hậu hiện đại; mô hình con người thời chiến khác con người thời bình; mô hình công dân bản địa khác công dân toàn cầu...

Vì thế, ý niệm về mô hình con người không thể là sản phẩm của sự mơ hồ, viển vông. Việc liên tục cải cách mà vẫn có những điểm bất cập cho thấy sự bối rối của ngành Giáo dục trong việc xác lập mô hình giá trị, mô hình con người. Ở đó, dường như đang thiếu đi sự đinh ninh chắc chắn về bản sắc từ bên trong và tầm vóc trong cái nhìn ra bên ngoài. Bản sắc chỉ có thể trở thành bản sắc thực sự khi nó được vận hoạt trong tinh thần khai phóng, trong sự giao lưu, va chạm với các giá trị - bản sắc khác.

Từ hình dung ấy, soi chiếu trở lại bộ môn ngữ văn trong nhà trường, chúng ta thấy việc dạy và học, kiểm tra đánh giá chưa hướng đến con người như là một sản phẩm giáo dục khai phóng, chưa tạo ra cơ chế hướng người học đến khả năng tự định hình giá trị, tri thức, xác lập nhân cách, bản sắc, khả năng thích ứng với môi trường văn hóa, văn minh toàn cầu. Học sinh phải cố học thuộc một bài thơ, nhớ một bài văn mẫu, nhớ những nhận định, đánh giá của người khác để đi thi, để đạt điểm cao mà quên mất những cảm nhận riêng tư trong tâm hồn, trí tưởng. Văn mẫu nhìn ở tính áp đặt trong thi cử đang giết chết những hạt giống tự do của tâm hồn người học, vi phạm nguyên tắc tiếp nhận văn chương, làm xơ mòn, sáo rỗng các giá trị.

Thi cử chạy theo thành tích biến người dạy và người học trở thành những “chiến binh”, “vận động viên” trong công cuộc chinh phục giải thưởng, điểm số. Trong công cuộc ấy, những giáo viên cốt cán, những chuyên gia luyện thi, ra đề, chấm thi trở thành những nhân vật quyền lực trong khi việc học luyện cái gì, phương pháp - thủ thuật làm bài, khả năng đoán đề để ôn luyện... không mang lại hiệu ích cho quá trình thẩm thấu các giá trị văn chương nghệ thuật đối với học sinh. Văn mẫu và chạy đua thành tích trở thành một thứ giá trị ảo, một chướng ngại, một thành tố gây hại đến quá trình bồi đắp tâm hồn, trí tưởng cho người học.

Nhiều bộ sách văn học trong nhà trường đã được ra mắt góp phần bổ sung những nền tảng kiến thức văn học cho học sinh.

3. Ngữ văn chỉ là một môn học trong nhà trường. Cùng với những môn học khác, ngữ văn sẽ góp phần tạo ra môi trường cho người học rèn luyện, tu dưỡng, định hình các giá trị, hình thành nhân cách, đạo đức, thói quen, năng khiếu, sở thích, tri thức... để có thể bước đầu tự lựa chọn mô hình mà mình mong muốn trở thành.

Dạy và học văn, bản thân công việc đó là cao cả, là đẹp, mang đầy ý nghĩa của quá trình giao tiếp, trao truyền các giá trị thẩm mỹ, nhân văn. Ý nghĩa của môn văn trong nhà trường không phải là để thi, để đoạt giải, mà để nuôi dưỡng tình yêu thương đối với cái đẹp, con người và thế giới. Chớ nên biến môn ngữ văn thành một áp lực và triệt tiêu những rung cảm hồn nhiên trong tâm hồn và trí tưởng học sinh. Sẽ chẳng thể mang lại ích lợi gì nếu không nghĩ từ những thực tế nhỏ nhất liên quan đến việc học văn. Nếu học sinh không thích, không hứng thú với môn văn thì có nghĩa là đã có trục trặc ở đâu đó trong hệ thống giáo dục mà chúng ta cần phải quyết liệt chỉ ra và chỉnh sửa nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là một môn học trong nhà trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.