(HNM) - Bị lấn át bởi nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Thái Lan, lại phải chịu những áp lực lớn khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nếu không có một cú hích thật sự, ngành Chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị "nhấn chìm" ngay trên sân nhà. Chưa kể, trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục là nỗi ám ảnh, người tiêu dùng sẽ ưu tiên sản phẩm sạch, nhất là khi họ có thêm cơ hội lựa chọn về giá cả.
Chăn nuôi có tầm quan trọng đặc biệt đối với nông nghiệp và nông dân Việt Nam, nhưng sẽ là ngành chịu tổn thương nhiều nhất khi cánh cửa hội nhập phải mở, Việt Nam phải chấp nhận "luật chơi"quốc tế. Những "vấn đề" của ngành chăn nuôi đã được cảnh báo từ nhiều năm trước: Sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp, liên kết lỏng lẻo, sức cạnh tranh yếu... Rồi những vấn đề liên quan đến dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm... Chưa kể, lối làm ăn chộp giật, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của không ít hộ chăn nuôi... Đáng nói hơn, trong khi gạo Việt Nam trầy trật xuất khẩu thì thức ăn chăn nuôi phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Bên cạnh đó là một hệ thống cung ứng hết sức phức tạp với đủ tầng nấc. Hậu quả là giá thành sản phẩm bị đội lên cao. Câu chuyện thịt gà Mỹ giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam cách đây chưa lâu là dấu hiệu không chỉ mang ý nghĩa cảnh báo.
Ngành chăn nuôi nước nhà không đủ sức đua tranh trong một thị trường khốc liệt, có độ mở cao. Đó là một thực tế. Bởi lẽ, khi "cửa mở" thị trường, các sản phẩm chế biến, các loại thịt gia súc, gia cầm sẽ ồ ạt tràn vào với giá thành rẻ hơn. Người tiêu dùng trước mắt có nhiều cơ hội lựa chọn và sẽ được hưởng lợi... Nhưng các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với những cú "sốc" đột ngột và hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Và điều đó sẽ mang đến không ít hệ lụy. Vậy, ngành chăn nuôi Việt Nam phải "đón sóng" hội nhập như thế nào?
Theo giới chuyên gia, rào cản lớn nhất vẫn là những bất cập trong chính sách. Lãi suất thương mại vào khoảng 11% /năm, lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khoảng 7%, trong khi Thái Lan là 3%, Mỹ là 0,5%... chưa kể một con gà "cõng" đến 14 loại phí thì rõ ràng không thể nói đến chuyện cạnh tranh về giá thành sản phẩm. Do vậy, đưa ra cơ chế, chính sách để giảm "gánh nặng" cho người chăn nuôi, giúp họ tiếp cận với nguồn vốn mở rộng sản xuất là hết sức cần thiết bên cạnh việc xóa bỏ các khâu trung gian, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường liên kết nhằm tạo ra những chuỗi giá trị gia tăng...
Nhiều chuyên gia nông nghiệp đề cập đến một gói hỗ trợ cho ngành chăn nuôi tương tự như với thị trường bất động sản. Điều này không phải không có cơ sở và cũng cần được nhìn nhận, xem xét một cách nghiêm túc.
Theo Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam - Adam Sitkoff, cho đến nay, Việt Nam rất tích cực thỏa thuận và ký kết các hiệp định thương mại, thế nhưng cơ hội tốt sẽ không đến với những ai không chuẩn bị kỹ càng để cạnh tranh... Đây là vấn đề không chỉ riêng với ngành chăn nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.