Giữ 100% nông sản nhập khẩu từ Nhật Bản để kiểm tra phóng xạ * Chưa phát hiện thực phẩm nhiễm xạ tại Việt Nam (HNM) - Theo thông báo mới nhất của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), tính đến tối 30-3, trạm quan trắc thuộc Viện Khoa học - Kỹ thuật hạt nhân đã ghi nhận đồng vị phóng xạ Cs-137.
TS Trịnh Văn Giáp (Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật hạt nhân) cho biết, nồng độ I-131 và Cs-137 trong không khí ở mức rất thấp, nhỏ hơn hàng trăm nghìn lần so với giới hạn cho phép nên người dân không cần lo lắng. Sự xuất hiện của hai loại đồng vị phóng xạ này chưa thể đi đến kết luận là dấu hiệu của đám mây phóng xạ đã đến Việt Nam hay chưa. "Về kỹ thuật, nồng độ phóng xạ này khó mà tăng lên đến mức cần phải cảnh báo. Hơn nữa, các trạm quan trắc ở Nhật Bản cũng ghi nhận nồng độ phóng xạ đang có xu hướng giảm" - TS Trịnh Văn Giáp cho biết.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt khẳng định, đến chiều 30-3, trạm quan trắc tại đây chưa ghi nhận có chất Cs-137. Nồng độ của I-131 vẫn như ngày trước đó. Đây là một iốt phóng xạ, khi con người hít vào với hàm lượng cao sẽ gây ra một số bệnh liên quan đến tuyến giáp. Còn nếu ở mức thấp, iốt này không gây hại cho con người. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng là nơi sản xuất đồng vị I-131 dùng chữa những bệnh liên quan đến tuyến giáp, như bướu cổ, cho các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Theo ông Bùi Đăng Hạnh, cán bộ phụ trách truyền thông của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong môi trường tự nhiên cũng luôn tiềm ẩn các yếu tố bức xạ có thể tác động đến con người. Đó là các tia vũ trụ, nhà máy nhiệt điện, dự án khai khoáng... Nồng độ phóng xạ trong không khí vẫn được các cơ quan có trách nhiệm đo từ nhiều năm nay. Đáng lưu ý là chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 30-3 so với giá trị từ ngày 17-12-2010 tới 29-3-2011.
Bộ KHCN cũng cho biết thêm, hình ảnh đám mây phóng xạ được tính toán cho các ngày 31-3 và 1-4 tại khu vực Đông Nam Á cho thấy, phần đám mây chính có xu hướng bị chia nhỏ và phát tán rộng, bay tản mạn trong khu vực giữa Phillipines, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia và Việt Nam. Những ngày sắp tới, những đám mây nhỏ có thể đi qua khu vực Lào, Việt Nam và Campuchia nhưng rất khó phát hiện ảnh hưởng của nó đến nền phông phóng xạ hiện tại ở Việt Nam, vì nồng độ hạt nhân phóng xạ rất nhỏ, không thể làm thay đổi phông phóng xạ nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong khi đó, ở Đông Nam Á, vẫn chỉ có trạm tại Phillipines đã phát hiện thấy các hạt nhân phóng xạ.
* Bộ NN&PTNT cho biết, cơ quan chức năng đã tạm giữ 396,27kg thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản tại các cảng để kiểm tra dư lượng phóng xạ và vẫn chưa cho thông quan. Tính lũy kế, từ tháng 9-2010 đến nay, Việt Nam nhập khẩu 10.795 tấn cá hồi, cá ngừ, cá mực, tôm từ Nhật Bản và 212,6 tấn rau, củ, quả tươi, táo, bí đỏ các loại. Liên quan đến tình hình thực phẩm nhiễm chất phóng xạ tại Nhật Bản, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã lấy mẫu 11 loại rau, củ có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Fukushima và một số tỉnh lân cận, phát hiện có chất phóng xạ vượt mức cho phép. Trước những thông tin về phát hiện chất phóng xạ có trong thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép, các quốc gia nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản, trong đó có Việt Nam ban bố biện pháp: giữ lại hàng hóa tại cảng để kiểm tra chất phóng xạ, yêu cầu chứng nhận an toàn về phóng xạ của cơ quan thẩm quyền Nhật Bản. Tại Việt Nam, cơ quan chức năng sẽ giữ lại tất cả các lô hàng từ 4 tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi, Gunma của Nhật Bản để kiểm tra phóng xạ. Ông Phùng Hữu Hào cho biết thêm, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ, cử cán bộ kèm theo thiết bị chuyên dụng tới các cửa khẩu để kiểm tra, phát hiện sớm thực phẩm nhiễm xạ hoặc nghi ngờ nhiễm xạ phóng xạ. Trước mắt, việc này được triển khai tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn. Trong ngày 30-3, qua lấy một số mẫu thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam phân tích cho thấy, chưa có mẫu nào chứa hàm lượng phóng xạ vượt quá mức cho phép.
* Chiều 30-3, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Cục đã lấy mẫu sản phẩm Colagen lô sản xuất ngày 14-3 (sau thời điểm xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân) nhập khẩu từ Nhật Bản để xác định nhiễm xạ. Kết quả kiểm nghiệm của Cục An toàn bức xạ hạt nhân cho thấy sản phẩm an toàn, âm tính với phóng xạ. Hiện tại có 25 nhóm thực phẩm nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam (chủ yếu là sản phẩm thực phẩm chức năng và sữa). Các nhóm thực phẩm này sẽ do Cục ATVSTP chịu trách nhiệm kiểm soát. Cùng ngày, thông tin từ lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, các chuyên gia của Bộ đang xây dựng quy trình chẩn đoán, điều trị bệnh do nhiễm xạ. Trước mắt là quy trình để điều trị cho công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nếu bị nhiễm xạ, sau đó là đối phó với tình huống nếu xảy ra hiện tượng nhiễm xạ tại Việt Nam qua nguồn không khí, thực phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.