(HNM) - Nhiều năm qua, câu chuyện về vấn đề bản quyền âm nhạc dường như vẫn là một chuỗi những nỗi buồn chứng minh về sự bất công trong lĩnh vực nghệ thuật. Rất nhiều nghệ sĩ phải tốn bao công sức, chất xám, thậm chí cả tiền bạc để cho ra đời “đứa con tinh thần” của mình.
Một thời gian, dư luận mạnh mẽ lên án việc có không ít các ca sĩ vô tư sử dụng tác phẩm âm nhạc mà không hề quan tâm đến tác giả, chủ sở hữu có đồng ý hay có điều kiện gì không.
Cũng có một thời gian, người ta lại phê phán việc đa phần người nghe nhạc Việt Nam không có ý thức tôn trọng bản quyền, vô tư sử dụng đĩa lậu, thản nhiên tải nhạc miễn phí trên mạng. Chính vì thế mà một dạo hai nhạc sĩ Huy Tuấn và Quốc Trung đã phải khởi xướng chiến dịch "Nghe có ý thức" với hy vọng kéo dậy sự tôn trọng bản quyền từ người nghe.
Phê phán gay gắt, nhưng rồi sau đó mọi chuyện cũng lại lắng xuống... Ai cũng nói ủng hộ bảo vệ quyền tác giả, nhưng sự thực lại có ít người sẵn sàng có hành động ủng hộ bằng việc chấp hành nghiêm túc quy định về bản quyền.
Giờ đây, thêm một lần nữa vấn đề tác quyền lại ồn ào khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kiên quyết thu phí âm nhạc trên tivi tại phòng nghỉ khách sạn, các địa điểm có sử dụng tác phẩm như khu vực sảnh, lễ tân, hành lang văn phòng, cửa hàng, khu mua sắm, câu lạc bộ thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ, thậm chí là cả... bãi đỗ xe.
Một bên quyết thu, trong khi các bên còn lại quyết phản bác. Nhưng buồn thay là đến lúc này vẫn chưa có một cơ quan quản lý nào đứng ra làm trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng. Ngay đến Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cũng cho rằng “đây là quan hệ dân sự, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp”.
Xét cho cùng thì dù quan hệ nói trên là dân sự hay gì đi chăng nữa thì cũng cần có luật để giải quyết và cũng cần có cơ quan đủ thẩm quyền hóa giải. Chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tác giả, cũng là để hạn chế nạn “xài chùa” các sản phẩm có sở hữu trí tuệ vốn đã thành thói quen trong xã hội. Nhưng có vẻ như với cách làm nửa vời hiện nay xem ra chẳng thể nào hóa giải được tình trạng “rối như tơ vò” của thị trường âm nhạc.
Xét về khía cạnh pháp lý, việc làm của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam không trái luật, nhưng vì sao cái “đúng luật” lại không thể thực thi? Vì sao một mình Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cứ phải “chật vật” chống đỡ với dư luận để thu cho được phí bản quyền?
Câu trả lời chính là từ những bất cập và sự yếu kém trong việc thực thi pháp luật về bản quyền tác giả âm nhạc. Tất nhiên, để thay đổi về vấn đề tôn trọng bản quyền không phải việc có thể làm trong một sớm một chiều. Để làm được cần có sự vào cuộc của nhiều chủ thể, từ tác giả, các đơn vị tổ chức biểu diễn, nhà sản xuất chương trình cho đến người nghe.
Nhưng cần nhấn mạnh, trong các tranh chấp về bản quyền, “bên thứ tư” rất quan trọng chính là cơ quan quản lý nhà nước, là các tổ chức đại diện hợp pháp cho nhạc sĩ, là đơn vị được nhạc sĩ ủy thác, thay mặt họ về bản quyền âm nhạc... Mỗi đơn vị theo thẩm quyền và nghĩa vụ của mình đều có thể tham gia vào việc làm bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng về bản quyền.
Một khi năng lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý, thực thi còn chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ, chưa minh bạch và một khi mà cơ quan quản lý cũng cho là mình vô can thì cái "mớ bòng bong” sẽ chưa thể gỡ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.