(HNMO) - Tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố ngày 18-8, Thường trực Thành ủy yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành thành phố tiếp tục kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhất là tuyến đầu gồm các ngành Y tế, Công an, Quân đội, tới các thôn, tổ dân phố...
Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Ngô Văn Quý ký ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Có thể thấy rất rõ tính cấp bách trong các chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND khi tính đến thời điểm này, Hà Nội đã có 11 ca Covid-19 lây nhiễm ngoài cộng đồng. Trong đó, nhiều ca có “lộ trình” phức tạp, số trường hợp F1, F2 lớn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan.
Tính cấp bách trong các chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND càng rõ khi khác với đợt xảy ra dịch lần trước, lần này, Hà Nội vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm vận hành một cách tương đối bình thường các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đợt dịch trước, thời gian vàng 15 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội kể từ 0h ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc, sau đó thực hiện cách ly tùy đặc thù từng địa phương, đã tạo cơ hội chiến thắng “trận đầu” trong cuộc chiến với Covid-19.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, thành phố phải thực hiện “mục tiêu kép”, như tuyệt đại đa số tỉnh, thành phố của cả nước là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Các hoạt động kinh tế - xã hội vận hành bình thường, hay tương đối bình thường ít ngày qua, đồng nghĩa với nguy cơ lây lan dịch trở nên khó kiểm soát - bài học xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng. Dù đến thời điểm này, theo đánh giá, Hà Nội chưa có nguy cơ lây lan ổ dịch lớn nhưng thực tế không thể xem thường mà con số 11 ca mắc ngoài cộng đồng là tín hiệu cảnh báo.
Đáng chú ý, cũng khác với lần xảy ra dịch trước, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, tâm lý chủ quan của cộng đồng là khá phổ biến. Đồng thời, hiện tượng lơ là, lơi lỏng trong thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch diễn ra ở không ít cơ quan, địa phương, đơn vị.
Trước các chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại cuộc họp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố hôm nay và Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND ít ngày, UBND thành phố đã có Văn bản số 3906/UBND-KGVX, về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều văn bản liên quan.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nhiều vi phạm đã diễn ra, chẳng hạn: Tập trung đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng; một số quán bar, karaoke, quán trà đá vỉa hè vẫn hoạt động... Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm tại không ít nơi có dấu hiệu buông lỏng.
Kinh nghiệm cũng như nguyên tắc dịch tễ cho thấy, phòng, chống dịch bệnh là cuộc chiến cần sự tham gia một cách tích cực, tự giác của cả cộng đồng. Đó là cuộc chiến mà cơ quan chức năng, các địa phương dù nguồn lực lớn như thế nào đi nữa cũng khó giành chiến thắng nếu thiếu sự tham gia, ủng hộ của mỗi người.
Đó cũng là cuộc chiến mà cộng đồng nói chung, từng cá nhân nói riêng không nên “giành giật chiến thắng”… trong bệnh viện.
Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 3-4-2020, Công điện ngày 28-7-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy, Thông báo kết luận số 2792-TB/TU của Thường trực Thành ủy ngày 5-8-2020..; Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố hướng dẫn công tác phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh từng nơi, từng khu vực và có thể nâng mức độ phòng, chống dịch lên một mức... Cùng với đó, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố khẩn trương ban hành các quy định, quy trình cụ thể về phòng, chống dịch trong các cơ quan, doanh nghiệp, nơi công cộng; các quy trình khám, chữa bệnh an toàn tại các bệnh viện nhằm phòng tránh lây nhiễm trong các cơ sở y tế cũng như lây nhiễm ra cộng đồng. Đặc biệt là chuẩn bị đảm bảo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống dịch của thành phố và sẵn sàng cho tình huống dịch bùng phát ở cấp độ cao... - Đây là những nhiệm vụ quan trọng mà cuộc họp của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố hôm nay đặt ra.
Ở Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND, yêu cầu nhiệm vụ với từng “đối tượng” được đặt ra rất cụ thể. Trong đó, trước tiên, các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan tiếp tục quyết liệt thực hiện công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ, quyết liệt việc thực hiện các biện pháp cũng như xử lý vi phạm…
Thứ hai, các quận, huyện, thị xã phối hợp Sở Y tế bảo đảm xử lý nhanh, kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, không để nguồn bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.
Thứ ba, về mặt chuyên môn, Sở Y tế Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh; mở rộng đối tượng làm xét nghiệm SARS-CoV-2; phối hợp, khẩn trương tổ chức xét nghiệm tất cả trường hợp đi từ Đà Nẵng về Hà Nội xong trong ngày 20-8-2020...
Về phía cộng đồng, những yêu cầu cũng được đặt ra rất rõ: Người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng; các trường hợp mắc bệnh mạn tính, người có nguy cơ cao, người cao tuổi không đi ra ngoài khi không thật cần thiết; thực hiện khai báo y tế theo quy định, khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà máy, công trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Và chỉ ít giờ nữa, từ 0h ngày 19-8, các nhà hàng ăn uống, quán cà phê thực hiện nghiêm các quy định: Giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1m (khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi), nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc…
Các quy định nêu trên, nhiều quy định được “tái lập”, tất nhiên ít nhiều gây xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, diễn biến mới của dịch Covid-19 đến thời điểm này cho thấy, để thắng dịch, không một ai được phép đứng ngoài cuộc.
Cùng vào cuộc, cùng phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt hơn nữa thì dịch bệnh mới bị đẩy lùi, thời gian xáo trộn cuộc sống do dịch bệnh gây ra mới được rút ngắn, bảo đảm cho sự vận hành một cách hoàn toàn bình thường của đời sống kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn cả là sức khỏe cộng đồng, sinh mạng con người được bảo vệ an toàn.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.