Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Thu Hằng| 05/07/2022 06:08

(HNM) - Khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chính sách quan trọng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và củng cố năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, chính sách này đi vào cuộc sống đã không được như kỳ vọng, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh, tháo gỡ các điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Nhóm nghiên cứu trạm thu phát gốc vô tuyến của Trung tâm Vô tuyến băng thông rộng (Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel). Ảnh: Như Quỳnh

Chưa như kỳ vọng

Để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thông qua cơ chế quỹ với nguồn kinh phí được trích lập từ một phần lợi nhuận trước thuế hằng năm, nhiều chính sách đã ra đời. Trong đó, đáng chú ý là Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Theo thông tư, hằng năm, doanh nghiệp nhà nước bắt buộc trích lập từ 3% đến 10% thu nhập trước thuế để hình thành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước tự quyết định mức trích cụ thể, nhưng tối đa không quá 10% thu nhập trước thuế trong kỳ. Đối với khoản thu nhập trích quỹ, doanh nghiệp không phải đóng thuế và được phép sử dụng quỹ cho hoạt động khoa học, công nghệ của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, việc triển khai Thông tư số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC không được như kỳ vọng. Số lượng doanh nghiệp trích quỹ chỉ dưới 0,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã thành lập quỹ, nhưng việc sử dụng rất hạn chế; gần 80% doanh nghiệp trích quỹ, song không sử dụng.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam Đoàn Hữu Gia, dù Thông tư số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC đã có những quy định mở hơn về quản lý, sử dụng quỹ, nhưng chưa ban hành đầy đủ hệ thống biểu mẫu để doanh nghiệp có thể tự xây dựng hồ sơ thành lập. Những nội dung quy định về quỹ còn phức tạp trong xây dựng các quy chế, thanh quyết toán nguồn trích lập quỹ, các biểu mẫu hướng dẫn cho doanh nghiệp còn thiếu và chưa mang tính thiết thực, chưa cụ thể với từng loại hình doanh nghiệp. Thực chất, việc sử dụng quỹ của doanh nghiệp giống như sử dụng ngân sách nhà nước với thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ, khiến doanh nghiệp khó chủ động. Trong thời hạn 5 năm kể từ sau khi trích doanh thu để lập quỹ, nếu không sử dụng hết 70%, doanh nghiệp còn phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên số tiền quỹ còn lại và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. Điều này khiến doanh nghiệp ngại thành lập quỹ, vì lo lắng việc sử dụng sai mục đích.

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Mỹ Linh, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), có 3 nhóm vướng mắc trong quá trình sử dụng quỹ khiến doanh nghiệp e ngại, không có nhu cầu trích lập quỹ. Đó là: Thủ tục phức tạp; nội dung chi chưa rõ ràng; giới hạn thời gian trích lập và sử dụng ngắn. Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn đầu tư cho khoa học và công nghệ, nhưng không ưu tiên việc trích lập và sử dụng quỹ, mà hạch toán trực tiếp vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Công ty TNHH Công nghiệp Michem Việt Nam (quận Bắc Từ Liêm), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, hóa chất công nghiệp.

Tháo gỡ các điểm nghẽn

Hiện tại, tỷ lệ sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp so với số tiền đã được trích lập còn thấp. Nguyên nhân đầu tiên là do các quy định pháp luật chưa cụ thể, thiếu khả thi với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, dẫn tới vướng mắc trong triển khai. Ví như việc không sử dụng được quỹ để mua máy móc, thiết bị, nhằm đổi mới công nghệ, trực tiếp sử dụng vào việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Thứ hai, các quy định của pháp luật đã ban hành hướng dẫn nội dung chi của quỹ mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đa số doanh nghiệp còn yếu; các chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chưa đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc trích lập quỹ. Ngoài ra, với tỷ lệ trích tối đa 10% thu nhập tính thuế, số trích lập quỹ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thấp, không đủ để thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong khi các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tín dụng để bổ sung thêm lại không có, hoặc có nhưng khó tiếp cận.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, qua đó tháo gỡ các điểm nghẽn. Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng quỹ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-6-2022, hướng dẫn 4 nội dung chi sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, gồm: Chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; chi hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; chi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ; chi phục vụ hoạt động quản lý quỹ.

Với sự ra đời của Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN, bà Nguyễn Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS (quận Đống Đa) - doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ, nông nghiệp, xây dựng… bày tỏ hy vọng thời gian tới, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động khởi nghiệp dựa trên khoa học và công nghệ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.