(HNM) - Ngay những ngày đầu năm 2022, hàng loạt dự án đường bộ tại khu vực Nam Bộ đã được đưa vào sử dụng và triển khai xây mới. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, hệ thống đường bộ trong khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước sẽ được bổ sung những tuyến đường quan trọng, giúp giao thông khu vực này tiếp tục khởi sắc.
Đường mới về miền Tây
Ngày 25-1 vừa qua, những chiếc ô tô đầu tiên chính thức lăn bánh cả 2 chiều trên đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đưa vào hoạt động tạm trong giai đoạn 1, sau hơn 12 năm đầu tư xây dựng. Anh Trương Vũ Khánh là tài xế xe du lịch (ở phường 7, quận Gò Vấp) chia sẻ: “Tết này, đường từ thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây đã thuận lợi hơn nhiều, đỡ hẳn cảnh chen chúc trên quốc lộ 1 như trước”.
Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới dài hơn 51km, nằm trọn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nối với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đi vào khai thác, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long lên hơn 100km. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư) Nguyễn Tấn Đông cho biết: “Trong giai đoạn 2, cao tốc này sẽ được nâng lên 6 làn xe, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc đi lại của người dân”.
Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều dự án giao thông quan trọng tại khu vực này. Đơn cử, dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) vượt sông Tiền dẫn vào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (đại diện chủ đầu tư) Đinh Công Minh cho biết, tính đến tháng 1-2022, sau gần 2 năm khởi công, dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã hoàn thành hơn 45% khối lượng xây dựng của cả 5 gói thầu. Theo thiết kế, cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu có tổng chiều dài 6,61km, được đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Đáng chú ý, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp đến bờ bắc sông Hậu đã hoàn thành 97% khối lượng giải phóng mặt bằng sau 1 năm khởi công. Trưởng phòng Điều hành dự án 4, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Phạm Đức Trình cho biết: “Giai đoạn 1 của dự án quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/giờ với tổng mức đầu tư hơn 4.820 tỷ đồng. Dự kiến dự án đưa vào sử dụng năm 2023. Trong giai đoạn 2, sẽ nâng lên 6 làn xe, vận tốc tối đa 100km/giờ”.
Miền Đông chuyển mình
Trong tháng 1-2022, Chính phủ đã ban hành những quyết định nhằm thúc đẩy dự án đường Vành đai 3 và 4 thành phố Hồ Chí Minh. Hai dự án này được triển khai sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh miền Đông chuyển mình. Ngay sau khi được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đường Vành đai 3, ngày 20-1 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 và 4.
Đường Vành đai 3 dài hơn 91km, đi qua thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 83.290 tỷ đồng, xây dựng 4 làn xe cao tốc và 2 làn đường song hành; giải phóng mặt bằng 1 lần cho quy mô 8 làn xe, dự kiến hoàn thành trước năm 2026. Đường Vành đai 4 có chiều dài khoảng 200km, quy mô 6-8 làn xe, Chính phủ đã giao UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến qua địa phương mình theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự kiến đưa vào sử dụng trước năm 2030.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của 2 dự án quan trọng này là nguồn vốn. Đơn cử như với dự án đường Vành đai 3, theo phương án của Bộ Giao thông - Vận tải, ngân sách các địa phương sẽ chi cho giải phóng mặt bằng một lần toàn tuyến (khoảng hơn 52.000 tỷ đồng). Ngân sách xây đường chính (4 làn xe trong giai đoạn 1) và đường song hành sẽ thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) hơn 31.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí này quá lớn vượt khả năng chi trả của các địa phương mới trải qua cao điểm chống dịch Covid-19 và khó thu hút nhà đầu tư BOT.
Trước tình hình đó, ngày 24-1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ với dự án đường Vành đai 3 và 4 thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Chính phủ thống nhất phương án đầu tư công đối với đường Vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ, trong đó sử dụng kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đường Vành đai 4 tiếp tục nghiên cứu đánh giá đề xuất tính khả thi đầu tư theo hình thức PPP.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến trong tháng 2-2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình dự án đường Vành đai 3 lên Chính phủ. Đến tháng 5-2022, chủ trương đầu tư dự án sẽ được trình lên Quốc hội để xem xét, quyết định. Khi dự án được thông qua, triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.