(HNM) - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 kéo dài 9 ngày (từ ngày 29-1 đến hết 6-2-2022), lĩnh vực du lịch đã có sự khởi sắc khi nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi của người dân tăng cao. Xu hướng chủ đạo là du lịch tự túc theo nhóm gia đình, bạn bè đã tạo nên không khí du xuân tươi vui, mà vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Du xuân an toàn
Ngay từ chiều mùng 1 Tết Nhâm Dần (ngày 1-2-2022), đường phố Hà Nội đã đông người du xuân. Với tinh thần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, các điểm di tích, cơ sở tôn giáo, một số khu, điểm du lịch đóng cửa để tránh tập trung đông người. Dù vậy, người dân và du khách vẫn có nhiều hình thức du xuân an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, ở một số tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đường Thanh Niên, khu phố cổ Hà Nội…, lượng người du xuân khá đông. Tại đây, người dân và du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm, như: Chụp ảnh check-in tại phố bích họa Phùng Hưng, tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng, đi dạo ngắm cảnh… Chị Nguyễn Anh Thư (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Tết năm nay, chúng tôi không đi du lịch xa, mà chọn trải nghiệm một số hoạt động ở Thủ đô như đi dạo hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... Để bảo đảm an toàn, chúng tôi tránh những nơi tập trung đông người, thường xuyên đeo khẩu trang”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, tham quan của du khách, một số dịch vụ đã được mở trở lại. Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt Yên Viên - đơn vị vận hành tuyến xe buýt 2 tầng “Hà Nội City tour” cho biết, đơn vị đã bố trí nhiều xe để bảo đảm phục vụ du khách. “Khách được yêu cầu ngồi giãn cách, đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, khám phá Hà Nội”, ông Nguyễn Viết Hưng nói.
Ở khu vực ngoại thành, trước yêu cầu phòng, chống dịch, nhiều khu, điểm du lịch và cơ sở lưu trú vẫn tạm đóng cửa, như: Medi Thiên Sơn, Ao Vua, Paragon resort, khu nghỉ dưỡng Làng Mít... Trong khi đó, Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), tuy không mở rộng đón khách đoàn, song vẫn tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ phục vụ những nhóm khách nhỏ.
Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho hay, số lượng khách đến Đường Lâm trong kỳ nghỉ Tết tăng nhẹ và có nhiều khách lưu trú qua đêm. “Tất cả các cơ sở homestay, kinh doanh dịch vụ phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như: Quét mã QR, khai báo y tế”, ông Nguyễn Đăng Thạo thông tin. Còn theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Phạm Huy Khôi, khách đến Bát Tràng chủ yếu tham quan, mua sắm và khám phá Bảo tàng gốm Bát Tràng, ít người ở lại qua ngày.
Những tín hiệu vui
Hoạt động tại các tuyến, điểm du lịch xa Hà Nội được nhiều du khách lựa chọn trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022. Chị Hoàng Lan Anh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cùng gia đình và nhóm bạn lên kế hoạch du xuân Mộc Châu (tỉnh Sơn La) từ mùng 4 Tết. “Chúng tôi đặt các gói dịch vụ khép kín từ trước Tết để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh”, chị Hoàng Lan Anh chia sẻ.
Theo tìm hiểu, trong kỳ nghỉ Tết năm nay, nhiều khu, điểm du lịch kín chỗ. Bà Dương Vân Nguyên, Giám đốc điều hành hệ thống khách sạn La Sieta cho hay, rất nhiều du khách Hà Nội đi Hội An (tỉnh Quảng Nam), riêng khách sạn La Sieta Hội An kín chỗ trong kỳ nghỉ Tết. Trong khi đó, hệ thống du thuyền Athena Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã kín lịch phục vụ khách từ mùng 3 Tết. Còn theo bà Vũ Bích Huệ, phụ trách truyền thông Công ty Du lịch Flamingo Redtours, gói dịch vụ 2 ngày 1 đêm trải nghiệm tại Flamingo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) được rất nhiều khách chọn đặt.
Không chỉ có hoạt động du lịch tự túc nở rộ, các tour du lịch do nhiều đơn vị lữ hành của Hà Nội tổ chức cũng có tín hiệu vui. Từ ngày mùng 2 Tết, các đơn vị lữ hành như: Pattous, VietSense Travel, VietFoot Travel, Hanoitourist… đều có chuyến khởi hành đưa khách đi khám phá các điểm Đông - Tây Bắc, một số tuyến miền Trung, như: Đà Nẵng, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Hoạt động lữ hành được dự báo sẽ khởi sắc hơn khi du khách thực hiện các chuyến du xuân sau Tết.
Để bảo đảm hoạt động du lịch đầu xuân hanh thông, an toàn, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các đơn vị kinh doanh dịch vụ cần có sự kết nối, nắm bắt chính sách đón khách an toàn, tránh bị động khi xử lý tình huống phát sinh. Còn theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô, Giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt, các đơn vị cần có kế hoạch phân luồng khách, bảo đảm giữ khoảng cách an toàn giữa các nhóm khách, thường xuyên nhắc nhở du khách tuân thủ biện pháp “5K” của Bộ Y tế.
Ở góc độ quản lý, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện quy định phòng, chống dịch. “Hoạt động du lịch tại Hà Nội hay việc đưa, đón khách từ Hà Nội đến các địa phương khác đều phải đặt sự an toàn lên hàng đầu”, bà Đặng Hương Giang nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.