Công nghiệp văn hóa

Hà Nội: Phấn đấu các ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

Hoàng Lân 11/01/2024 15:16

Ngày 11-1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nghiệm vụ ngành Văn hóa, Thể thao năm 2024.

Tới dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà.

Năm 2023, ngành Văn hóa và thể thao đã phối hợp tổ chức 2.230 sự kiện với quy mô khác nhau, trong đó nổi bật là: Lễ hội thiết kế sáng tạo, Lễ hội ẩm thực, Lễ hội áo dài, Lễ hội Thu Hà Nội, sự kiện âm nhạc quốc tế BlackPink…

z5060536298298_c3bd5dad759068171370c2f7572ad1f2.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” có chuyển biến mạnh, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy tốt vai trò tự quản của thôn, làng, tổ dân phố trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, văn hóa.

Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu tổ chức thành công Liên hoan “Gia đình văn hóa tiêu biểu” thành phố Hà Nội lần thứ II, năm 2023; Tham mưu triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư... Công tác tổ chức lễ hội trong năm 2023 cơ bản diễn ra an toàn, vui tươi.

Công tác quản lý di sản, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn thành phố được thực hiện tốt. Các di tích danh thắng thuộc thành phố tiếp tục có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động, góp phần thu hút du khách.

Ngoài ra, Sở đã hoàn thiện 7 hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia các di sản. Năm 2023, thành phố có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (di sản Mo Mường; Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ).

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Văn hóa, Thủ đô cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế. Nhất là hoạt động quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, không gian phố đi bộ trên địa bàn thành phố; khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa và thể thao còn chậm, bất cập, thiếu kịp thời.

Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích, các di tích quốc gia đặc biệt rất chậm; một số di tích đã xuống cấp, hư hại và có nguy cơ sụp đổ.

Năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2023 - 2025”, trong đó tập trung triển khai 19 đề án, kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chủ trì thực hiện.

1(3).jpg
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của thành phố.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa và Thể thao tập trung rà soát, bổ sung các nhiệm vụ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chỉ tiêu các lĩnh vực Công nghiệp văn hóa (CNVH); xác định vùng, quận, huyện có sẵn lợi thế, tiềm năng, tài nguyên để tập trung đầu tư, phát triển ngành CNVH phù hợp, phấn đấu các ngành CNVH đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố...

Ngoài ra là tập trung vào tuyên truyền thực hiện 2 quy tắc ứng xử với các hình thức mới như các nền tảng công nghệ số, các phương tiện giao thông công cộng...

Sở cũng tiếp tục phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã, các sở, ngành liên quan trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm 2024, chú trọng công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đánh giá cao những nỗ lực của ngành Văn hóa và Thể thao trong năm qua khi đã đạt 7/7 chỉ tiêu đề ra.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, với vai trò, vị thế, yêu cầu cần tháo gỡ, rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách, quy hoạch cho lĩnh vực văn hóa để kịp thời giải quyết vướng mắc, nhất là khi Luật Thủ đô được thông qua và có hiệu lực.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương cần bổ sung danh mục đầu tư cho lĩnh vực thể thao và nghệ thuật. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai hiệu quả CNVH; thực hiện bài bản, tổng thể chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa…

Dịp này, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phấn đấu các ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.