Công nghệ

Khởi nghiệp từ sáng tạo công nghệ 4.0

Thu Hằng 21/06/2023 - 18:47

Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội vừa nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình học máy sử dụng dữ liệu thu về từ cảm biến để theo dõi, cảnh báo sớm tình trạng cột antenna (ăng-ten) tại các trạm thu phát tín hiệu viễn thông (BTS) theo thời gian thực. Nghiên cứu thành công này cho thấy khả năng sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.

Tối ưu hóa quy trình bảo dưỡng BTS

Để bảo đảm chất lượng dịch vụ, độ phủ sóng tốt nhất, các trạm BTS được xây dựng với mật độ cao (800m/cột ăng-ten). Theo ước tính, tại Việt Nam, có gần 2.000 cột ăng-ten bị hư hỏng, xuống cấp gây gián đoạn thông tin. Chi phí bảo dưỡng (định kỳ 6 tháng/lần) khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

nhom-autoantenna.jpg
5 thành viên nhóm BK307 và thầy giáo hướng dẫn Cao Xuân Bình.

Hiện nay, việc đánh giá tình trạng của các cột ăng-ten đều được thực hiện thủ công, không chỉ gây hao tốn thời gian, tiền bạc, mà còn đòi hỏi lượng nhân lực lớn. Đồng thời, cách kiểm tra định kỳ này dẫn đến việc nắm thông tin về tình trạng các cột ăng-ten chỉ diễn ra vào thời điểm đó, không được cập nhật thường xuyên cho việc bảo dưỡng.

Từ quan sát thực tiễn, nhóm BK307 với 5 thành viên: Bùi Minh Đức, Nguyễn Sơn Hải, Nguyễn Anh Quân (Trường Cơ khí), Trần Thị Cẩm Vân (Viện Kinh tế và Quản lý) và Phạm Ngọc Quân (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông) của Đại học Bách khoa Hà Nội, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Cao Xuân Bình đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong theo dõi, cảnh báo sớm tình trạng cột ăng-ten tại các trạm BTS.

Trưởng nhóm Bùi Minh Đức chia sẻ, ý tưởng chính của đề tài là xây dựng mô hình học máy sử dụng dữ liệu thu về từ cảm biến để hỗ trợ theo dõi tình trạng cột ăng-ten tại các trạm BTS và đưa ra dự báo sớm các rủi ro tiềm ẩn của trạm BTS theo thời gian thực.

Dốc hết tâm sức, vừa học tập trên lớp, vừa tập trung nghiên cứu, vượt qua những khó khăn trong thử nghiệm sản phẩm, nhóm BK307 đã hiện thực hóa ý tưởng. Thành viên Nguyễn Anh Quân cho biết, AutoAntenna có nhiều ưu điểm như không trực tiếp can thiệp vào quá trình bảo trì, bảo dưỡng các trạm BTS. Nhờ tích hợp AI, sản phẩm hỗ trợ quản lý dữ liệu các trạm BTS, giúp các đơn vị quản lý dễ dàng trong quá trình giám sát và bảo trì cột ăng-ten. Từ đó, cảnh báo về những điểm dữ liệu bất thường xảy ra trong quá trình chạy thực tế của cột; gửi cảnh báo về nhân viên giám sát, hỗ trợ các kỹ sư đưa quyết định tối ưu hơn, tiết kiệm đáng kể chi phí bảo dưỡng so với cách làm thủ công hiện tại.

“Website sẽ hiển thị các trường thông tin như tốc độ gió, độ nghiêng, lực căng dây co... thu được từ cảm biến. Khi cột bị nghiêng quá giới hạn hoặc gió lớn quá mức an toàn thì trang web lập tức sẽ có cảnh báo đỏ và thông báo cho kỹ sư. Việc sử dụng sản phẩm AutoAntenna giúp giảm chi phí bảo dưỡng, thay vì 1.200 tỷ đồng như truyền thống chỉ còn hơn 100 tỷ đồng”, Quân thông tin thêm.

Khởi nghiệp cùng AutoAntenna

Trong tương lai, thông qua việc tự gán nhãn cho dữ liệu thu về cảm biến, mô hình sẽ liên tục cập nhật và cải thiện độ chính xác theo thời gian, từ đó dự đoán những khả năng bất lợi có thể xảy ra đối với cột ăng-ten và đưa ra cảnh báo phù hợp cùng các khuyến cáo bảo trì, bảo dưỡng. Giá trị thực tiễn của sản phẩm đem lại không chỉ giúp bảo vệ sự an toàn trong đời sống của cộng đồng, mà còn giúp tối ưu chi phí bảo dưỡng với mức độ dự đoán mang tính chính xác cao.

Sản phẩm đang được thử nghiệm tại 13 trạm BTS của Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Mobifone khu vực Hà Nội và dự kiến ra mắt sản phẩm thương mại trong quý IV-2023. Đặc biệt, AutoAntenna cung cấp dữ liệu xây dựng bản đồ khí tượng để dự báo thời tiết, thiên tai, hỗ trợ người dân và các công ty viễn thông có sự chuẩn bị để ứng phó, giúp giảm thiệt hại về con người và tài sản.

autoantenna-in-sv-startup2023.jpg
Đội BK307 tại cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-Startup) 2023.

Phó Giáo sư Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Đề tài “AutoAntenna - Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, cảnh báo sớm tình trạng cột antenna” của nhóm BK307, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-Startup) 2023. Sản phẩm đã thể hiện tính nghiêm túc trong nghiên cứu ứng dụng khoa học và khả năng sáng tạo mạnh mẽ".

Thành viên nữ duy nhất của nhóm Trần Thị Cẩm Vân chia sẻ, không nghiên cứu chỉ để đi thi, BK307 quyết tâm khởi nghiệp cùng AutoAntenna. Trước mắt, sản phẩm đã có nhiều doanh nghiệp lớn để ý. BK307 có kế hoạch nâng cấp AutoAntenna, tập trung phát triển bộ dữ liệu sản phẩm để phù hợp với sự đa dạng của cột ăng-ten tại Việt Nam và xa hơn là trên thế giới. Từ đó, AutoAntenna sẽ trở thành sản phẩm đi đầu trong việc hỗ trợ bảo trì, bảo dưỡng trạm BTS.

Rõ ràng, sáng chế thiết thực của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã thể hiện khả năng sáng tạo của tuổi trẻ, vận dụng tri thức và công nghệ mới để tạo ra sản phẩm hướng đến phục vụ cộng đồng. Nếu khởi nghiệp thành công, dự án sẽ giúp tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp từ sáng tạo công nghệ 4.0

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.