(HNM) - Với sự hỗ trợ của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, ngày 21-5, xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) đã tổ chức phát động xây dựng “thôn thông minh”, “làng nghề chế biến nông sản” thôn Thuận Quang. Đây là thôn - làng đầu tiên của Hà Nội bắt tay xây dựng nông thôn thông minh.
Làng thông minh là một cộng đồng xóm, thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ số, tận dụng các thế mạnh đặc thù của mỗi địa phương để cải thiện điều kiện sống của cư dân. Mô hình “làng thông minh” đã được Ủy ban Châu Âu (EC) thí điểm xây dựng từ năm 2016, với mục tiêu áp dụng các giải pháp kỹ thuật số theo hướng tích hợp và đổi mới sáng tạo, đưa “làng thông minh” trở thành nơi đáng sống.
Có thể nói, làng thông minh là mô hình phát triển tối ưu, là đích đến của khu vực nông thôn. Tuy nhiên, từ thôn - làng thông minh đến đích nông thôn thông minh là một chặng đường dài không chỉ cần quyết tâm đổi mới hay sự đồng thuận của cộng đồng, mà còn đòi hỏi về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính… cũng như thời gian áp dụng, thích nghi một cách phù hợp. Thực tế cho thấy, với điều kiện cơ sở vật chất, năng lực tiếp cận công nghệ, kỹ thuật số của cộng đồng cư dân làng xã hiện nay, rất khó để phát triển một mô hình toàn diện. Tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, cũng đã chỉ rõ xã có ít nhất một mô hình nông thôn thông minh do UBND cấp tỉnh quy định.
Thời điểm hiện tại, UBND thành phố Hà Nội chưa có quy định các tiêu chí của mô hình nông thôn thông minh. Do vậy, có thể xem việc xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) tổ chức phát động xây dựng “thôn thông minh”, “làng nghề chế biến nông sản” thôn Thuận Quang là một điểm đột phá rất đáng ghi nhận; đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới thành phố thông minh.
Để xây dựng thành công mô hình này trong vai trò mở hướng, cùng với việc khẩn trương ban hành quy định cụ thể về các tiêu chí nông thôn thông minh, như: Sàn giao dịch nông sản điện tử, cơ sở dữ liệu liên quan đến đất đai, môi trường…, thành phố cần chỉ đạo các địa phương phối hợp với cơ quan chuyên ngành chủ động xây dựng các mô hình nông thôn thông minh phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời có cơ chế, chính sách tăng cường nguồn lực cho viễn thông công ích.
Với nguồn lực về con người và công nghệ, cùng với việc chia sẻ lợi ích, các doanh nghiệp viễn thông của thành phố cần chủ động phối hợp cùng các địa phương từ việc đánh giá hiện trạng đến thiết lập đề án cũng như quá trình triển khai xây dựng nông thôn thông minh. Mặt khác, kết nối, gắn kết nông thôn thông minh với chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan để Hà Nội sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, thành phố thông minh.
Và để đưa công nghệ số vào từng ngõ, ngách của cuộc sống, các địa phương có thể xây dựng tổ, nhóm với nòng cốt là lực lượng thanh niên hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ theo nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực, như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mở tài khoản thanh toán, đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, sử dụng nền tảng số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sử dụng dịch vụ số cho các nhu cầu thiết yếu (y tế, giáo dục, phòng, chống dịch bệnh, chính sách xã hội…).
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của cộng đồng cư dân địa phương; sự chia sẻ, hỗ trợ của doanh nghiệp viễn thông…, đường tới đích nông thôn thông minh sẽ ngắn hơn, Hà Nội sẽ ngày càng có nhiều hơn những miền quê đáng sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.