(HNMO) - Chiều 14-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cùng chứng kiến và có bài phát biểu tại lễ khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN (ASLN) với dự án đầu tiên là “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc” (SuperPort).
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là sự kiện hợp tác có ý nghĩa giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore, là minh chứng cho tinh thần gắn kết ASEAN và tư duy chủ động thích ứng, sáng tạo của các doanh nghiệp. Năm 2020 là thời điểm ASEAN đi được một nửa chặng đường hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 hòa bình, ổn định, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, làm gián đoạn sản xuất, suy giảm kinh tế nghiêm trọng ở toàn cầu và khu vực ASEAN.
Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất phải vừa kiểm soát dịch vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, vừa phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng, trong đó có việc tăng cường tính bền vững của chuỗi cung ứng, bảo đảm sản xuất, luân chuyển hàng hóa, dịch vụ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự kiện khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc”; khẳng định, dự án chính là viên gạch hồng, góp phần xây đắp nhịp cầu hợp tác ASEAN và kết nối hữu nghị thân thiết Việt Nam - Singapore.
Về phần mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định, Singapore và Việt Nam có mối liên kết doanh nghiệp rất mạnh mẽ, với nhiều thành tựu đã đạt được, trong đó chỉ riêng các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã thu hút được 14 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, những điều trên được hiện thực hóa nhờ lòng tin tưởng lẫn nhau giữa người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Bất chấp những thách thức do đại dịch gây ra, các công ty, tập đoàn của Việt Nam và Singapore vẫn tìm được tiếng nói chung để có thể triển khai các dự án.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, là dự án Logistics lớn nhất của một Tập đoàn Singapore tại Việt Nam, dự án sẽ cung cấp sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho Việt Nam và ngành công nghiệp xuất khẩu ngày càng phát triển của Việt Nam; từ đó, đón đầu xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững.
Đây cũng là những điều lý tưởng cho tương lai của Việt Nam và ASEAN. SuperPort sẽ là một trong những dự án tiên phong trong Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN. Điều này giúp tăng cường các chuỗi cung ứng Logistics trong khu vực, hỗ trợ cho nỗ lực hội nhập kinh tế của ASEAN cũng như những sáng kiến đang triển khai.
Thủ tướng Lý Hiển Long tin tưởng, dù đại dịch đang hoành hành nhưng ASEAN sẽ một lần nữa vươn lên mạnh mẽ hơn và tận hưởng một tương lai tươi đẹp phía trước; mong đợi vào quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Singapore tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
* Là công trình chào mừng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và sự kiện ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến được ký kết ngày 15-11, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm Logistics ICD có quy mô lớn nhất tại khu vực phía Bắc được đầu tư bởi Tập đoàn T&T và hai đối tác Singapore là YCH Group Pte Ltd và YCH Holdings.
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có chức năng trung chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảnh trên hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai, các luồng hàng từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và là nơi lưu trữ hàng hóa, phân phối phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng cho các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Giang.
Bên cạnh đó, với chức năng cảng cạn ICD, trung tâm còn đảm nhiệm chức năng điểm thông quan hàng hóa nội địa, đầu mối giao thông và giao nhận vận tải đa phương thức quan trọng của khu vực; đảm nhiệm chức năng thông quan, làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu…
Dự án có tổng vốn đầu tư 3.878,7 tỷ đồng, tương đương 166,68 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là 2.077,79 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 1.800,91 tỷ đồng. Các nhà đầu tư sẽ góp vốn chủ sở hữu 767,91 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư, trong đó, Tập đoàn T&T góp 307,16 tỷ đồng, tương đương 13,2 triệu USD, chiếm 40% vốn góp; YCH Group Pte Ltd góp 345,56 tỷ đồng, tương đương 14,85 triệu USD, chiếm 45% vốn góp; YCH Holdings (Pte) Ltd góp 115,19 tỷ đồng, tương đương 4,95 triệu USD, chiếm 15% vốn góp. Phần còn lại sẽ được huy động từ vốn vay thương mại. Tiến độ đầu tư thực hiện dự án là 50 tháng kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.