Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi động “giấc mơ” tăng trưởng xanh

Hồng Sơn| 26/03/2012 07:44

(HNM) - Mô hình Tăng trưởng xanh (TTX) đã xuất hiện cách đây khoảng 20 năm, bắt đầu từ những quốc gia có nền công nghiệp phát triển bậc cao và được xác định là bước tiến bộ nhằm bảo đảm hài hòa các mục tiêu vì dân sinh, bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng đến tương lai của Trái đất...


Mặc dù đã cố gắng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm qua, nhưng nền kinh tế Việt Nam ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm giải quyết. Đó là sự phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và tính cạnh tranh còn thấp. Đây là điểm yếu dễ khiến nền kinh tế bị động trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhiều năm qua, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào theo chiều rộng, vào sự khai thác tài nguyên ở mức độ cao, từ đó môi trường bị phá hủy và ảnh hưởng xấu đến đời sống KT-XH. Phần lớn các ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, công nghệ lạc hậu nên tiêu tốn nhiều năng lượng. Trung bình, để làm ra một sản phẩm như nhau, DN nước ta tiêu phí năng lượng gấp 1,3-1,5 lần DN Thái Lan, gấp hơn 2 lần so với DN Malaysia và càng gấp nhiều lần so với DN các nước Âu - Mỹ. Vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn bởi những tồn tại trên lại diễn ra khi cả thế giới đang phải ứng phó với nạn biến đổi khí hậu, trong đó nước ta được xác định là quốc gia sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.


Cụm tuabin phong điện tại Tuy Phong - Bình Thuận.       

Thực tế cho thấy, lượng tài nguyên đang dần cạn kiệt và đẩy nền kinh tế vào con đường bế tắc nếu không sớm tìm cách thoát hiểm. Các chuyên gia thống nhất, trong hoàn cảnh cụ thể của mình, Việt Nam xác định TTX là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế để tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh qua nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; giảm hiệu ứng nhà kính. Từ đó, Việt Nam sẽ ưu tiên một số mục tiêu, gồm khuyến khích DN sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, hướng tới giá trị gia tăng cao; hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường, kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự tính, đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu tăng gấp đôi GDP tính theo đầu người so với năm 2010, sẽ giảm mức tiêu hao năng lượng 2,5-3% mỗi năm, giảm cường độ phát khí thải 10-15% so với năm 2010. Đặc biệt, nước ta sẽ hình thành những ngành sản xuất hiện đại, với tỷ trọng công nghệ cao chiếm 42-45% của GDP. Đến năm 2030, dự tính Việt Nam sẽ giảm tổng mức phát thải 2-3%/năm và tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng. Đến năm 2050, việc khai thác, sản xuất năng lượng và công nghệ cao để tạo ra TTX sẽ là hoạt động phổ biến trong đời sống KT-XH.

Cần kiên trì mục tiêu

Theo Bộ KH-ĐT, trước hết các dây chuyền sản xuất ở DN cũng như phương tiện vận tải cần được từng bước cải tiến, nâng cấp hoặc thay đổi công nghệ nhằm giảm tối đa mức sử dụng năng lượng hoặc nhiên liệu. Từ TƯ đến địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên tập trung đầu tư phát triển những loại hình năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như phong điện, năng lượng mặt trời, điện từ sức nóng của trái đất, cũng như hướng tới việc xây nhà máy điện chạy bằng năng lượng thủy triều. Hiện, có một số cơ sở, tòa nhà văn phòng, khách sạn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã chủ động lắp đặt hệ thống pin mặt trời và xử lý nước thải theo chu trình phép kín. Đại diện một số khách sạn như Rex, Majestic đã khẳng định, việc kết hợp ứng dụng hệ thống quản lý năng lượng thông minh và sử dụng năng lượng mặt trời đã giúp đơn vị tiết kiệm nhiều tỷ đồng/năm so với việc dùng điện lưới trước đây. Tỉnh Ninh Thuận đã lắp đặt, bước đầu vận hành những trạm cánh quạt chạy bằng sức gió dọc bờ biển để cho ra đời dòng năng lượng sạch và tái tạo. Vậy là "một mũi tên trúng nhiều đích" vì vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, lại bảo vệ được môi trường, tạo ra cảnh quan để hấp dẫn du khách, có điều kiện hạ giá thành năng lượng cung cấp cho đời sống dân sinh và sản xuất trên địa bàn… Đây là thực tiễn đáng quý để nhân ra diện rộng.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, tuy đang ở bước khởi đầu và gợi mở về ý thức đối với cộng đồng, nhưng quá trình thực hiện TTX sẽ diễn ra với tốc độ cao, bởi nó vừa là mục tiêu phù hợp quy luật, hướng tới phát triển bền vững, vừa là nhu cầu của đời sống KT-XH trong thời gian tới. Từ năm nay, Bộ sẽ kết hợp với các ngành liên quan tăng cường chất lượng quản lý, nhất là ở cấp địa phương để kiểm soát, hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% cơ sở sản xuất mới thành lập ứng dụng công nghệ sạch cũng như có đầy đủ thiết bị xử lý chất thải. Một số bài học về ô nhiễm và xử lý ô nhiễm thuộc các sông Đồng Nai, Nhuệ Giang… đến nay cần được đánh giá trên nhiều góc độ, rút kinh nghiệm, từng bước triệt tiêu hoàn toàn. Chế tài xử phạt cũng được nâng cao bên cạnh việc gia tăng hoạt động kiểm tra, phát hiện vi phạm để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, việc đầu tư kinh phí trong đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ mục tiêu TTX cũng cần được xác lập, triển khai chu đáo và sẵn sàng để tiếp cận, làm chủ tình huống, đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế. Tất cả nhằm gia tăng hàm lượng và tỷ trọng đóng góp của TTX trong GDP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi động “giấc mơ” tăng trưởng xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.