Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi dậy tính chủ động của sở, ngành, quận, huyện trong CCHC

Nguyễn Lê| 26/09/2016 18:46

(HNMO) - Đây là nội dung trọng tâm trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hồ Chí Minh nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả nhất, tiến tới xây dựng thành phố thông minh.


Chiều nay (26-9), đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã làm việc với TP Hồ Chí Minh về công tác CCHC. Dự buổi làm việc có đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh về cải cách hành chính.


Tại buổi làm việc, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử và triển khai xây dựng Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh nhằm mục đích tạo ra sự minh bạch và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, thành phố thực hiện 100 dịch vụ công cấp 4 và liên thông điện tử 100%; đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội thành phố tăng cường công tác giám sát, đánh giá của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Đến nay, các sở ngành, UBND 24 quận-huyện, UBND 322 phường-xã, thị trấn đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo mô hình một cửa, một cửa liên thông.

Về hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đến nay hệ thống liên thông văn bản điện tử của thành phố đã triển khai cho 222 đơn vị từ văn phòng UBND thành phố đến các sở, ban ngành, UBND quận-huyện và một số UBND phường-xã, thị trấn, các tổng công ty. Hệ thống mạng đô thị băng thông rộng thành phố đã triển khai cho hơn 737 điểm kết nối các cơ quan, đơn vị phục vụ hiệu quả việc vận hành, liên thông hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành các cấp. Hệ thống thư điện tử đang hoạt động ổn định và được các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức sử sụng thông dụng và hiệu quả. Hệ thống đã cấp hơn 15.402 hộp thư điện tử, tỷ lệ số hộp thư điện tử sử dụng trong công việc là trên 84,5%, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí hoạt động.

Công tác xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được mở rộng. Thành phố đang cung cấp dịch vụ trực tuyến với 1.700 dịch vụ ở mức độ 2; 426 dịch vụ ở mức độ 3; 58 dịch vụ ở mức độ 4. Đến cuối tháng 9-2016, thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 đối với danh mục các TTHC đã được Chính phủ phê duyệt và áp dụng trả kết quả qua dịch vụ bưu điện theo yêu cầu người dân.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố xem công tác CCHC và ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm giúp hoàn thành 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết của HĐND thành phố. Thành phố nhận thức công tác CCHC phải hết sức cụ thể để phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Sắp tới thành phố sẽ từng bước chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang đơn vị dịch vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, thành phố cần đơn giản hóa và công khai các TTHC đối với những thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; trong đó, tập trung vào nhóm các TTHC phục vụ hội nhập quốc tế, khởi sự doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, du lịch, đất đai, hạ tầng kỹ thuật đô thị, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng... Gắn CCHC với ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ.

Về những đề xuất, kiến nghị của TP Hồ Chí Minh trong việc tạo cơ chế và hành lang pháp lý trong CCHC, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ nghiên cứu những đề xuất của thành phố nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác CCHC; rà soát, pháp điển hóa, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhất trí với TP Hồ Chí Minh về việc phân cấp mạnh hơn và khơi dậy tính chủ động của các sở, ban ngành, UBND các quận huyện trong công tác CCHC.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy tính chủ động của sở, ngành, quận, huyện trong CCHC

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.