Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi dậy thú chơi tranh Tết dân gian

An Nhi| 05/01/2020 10:45

(HNM) - Xưa, mùa xuân đến, các làng tranh truyền thống lại nhộn nhịp in, quẩy tranh đi bán khắp nẻo, mang sắc Tết đến từng nhà. Nay, nét đẹp ấy thưa vắng dần. Đó là lý do mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ, họa sĩ Trang Thanh Hiền (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) tiếp tục hành trình nghiên cứu, làm dày thêm cuốn “Tranh Tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt” để khơi dậy thú chơi tranh Tết dân gian trong đời sống hiện đại.

Bức tranh dân gian Đông Hồ “Chuột rước rồng”.

Đã thực hiện cuốn “Tranh Tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt” từ năm 2016, khi triển khai dự án “Cùng bé sáng tạo” với các hoạt động tổ chức sáng tạo mặt nạ vui Tết Trung thu và khám phá tranh Tết cho trẻ em, nhưng họa sĩ Trang Thanh Hiền muốn mở rộng hơn đối tượng độc giả và người yêu tranh Tết dân gian.

“Những bức tranh không chỉ thể hiện nét tinh hoa trong ngón nghề, sự tinh tế trong thẩm mỹ, mà còn là thông điệp và niềm ước vọng của dân gian về năm mới. Chúng thích hợp với mọi nhà, mọi hoàn cảnh trong dịp Tết đến, xuân về”, họa sĩ Trang Thanh Hiền bày tỏ.

Và vì thế, cuốn “Tranh Tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt” ra mắt nhân dịp Xuân Canh Tý 2020 này, do Nhà Xuất bản Thế giới và Thái Hà Books ấn hành, không chỉ cung cấp kiến thức phổ thông về các dòng tranh dân gian Việt Nam, mà còn giống như một giai phẩm Tết, với ăm ắp thông tin mới về các dòng tranh hiện nay, cùng những bức tranh dân gian được đặt hàng nghệ nhân để độc giả thưởng thức.

Với 252 trang, cuốn sách đưa người đọc tìm hiểu về 5 dòng tranh dân gian thường sản xuất tranh Tết là Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống ở châu thổ sông Hồng; làng Sình ở Thừa Thiên - Huế và tranh kiếng Nam Bộ. Không chỉ giới thiệu những nét cơ bản, tác giả còn phân tích những bước thăng trầm, từ đó cho thấy sự dịch chuyển và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các dòng tranh.

Bên cạnh đó, họa sĩ Trang Thanh Hiền cũng đặt các dòng tranh dân gian của Việt Nam trong dòng chảy chung của nghệ thuật dân gian châu Á để phân tích sự đặc sắc mà cha ông khởi tạo, gửi gắm trong tranh, đặc biệt khi tranh Tết trở thành lối sống, thú chơi của người Việt.

Đáng chú ý là trong ấn bản năm 2020 này, họa sĩ Trang Thanh Hiền đã bổ sung mảng tranh dân gian quan trọng ở phía Nam - nghệ thuật tranh kiếng Nam Bộ, tạo nên một cái nhìn tổng thể về tranh Tết dân gian Việt Nam.

“Tuy khác biệt hoàn toàn với chất liệu ở 4 dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, làng Sình, tranh kiếng Nam Bộ vẫn có những nét tương đồng trong mẫu hình, tính tư duy và kỹ thuật thể hiện”, tác giả chia sẻ.

Tìm hiểu thêm về nghệ thuật tranh kiếng Nam Bộ, theo họa sĩ Trang Thanh Hiền, độc giả sẽ nhìn thấy ở đó tính tiếp cận với nghệ thuật hiện đại, sự thích ứng với đời sống khá cao. Nhân năm Canh Tý, cuốn sách còn có thêm phần “Con chuột trong tranh Tết của người Việt”, với những bàn luận thú vị về con giáp biểu trưng năm nay trong tranh dân gian.

Với lối viết đơn giản, ngắn gọn, gần gũi, đi cùng với những hình ảnh tranh sinh động, tác giả trang bị cho người đọc những kiến thức cơ bản về 5 dòng tranh dân gian Việt Nam. Theo họa sĩ Kim Duẩn, mọi đối tượng độc giả sau khi tiếp cận đều hiểu và phân biệt được nét đặc trưng của mỗi dòng tranh.

Chẳng hạn, tranh dân gian Đông Hồ in theo lối chồng bản, trong khi các dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng, làng Sình không chỉ in mà còn sử dụng kỹ thuật tô tranh. Màu nền giấy của các dòng tranh cũng khác biệt, như tranh Hàng Trống thường in trên giấy trắng, tranh Kim Hoàng thể hiện trên nền rực rỡ (đỏ, cam), tranh Đông Hồ in trên giấy óng ngà…

Tuy chủ thể trong tranh khác nhau, nhưng hầu hết tranh Tết được sản xuất từ những làng nghề này đều truyền đi thông điệp về sự đoàn tụ, sung túc, đủ đầy trong năm mới.

Mỗi ấn phẩm đặc biệt của cuốn sách lần này còn có một bức tranh dân gian được in thủ công và vẽ tay trên chất liệu giấy dó dành tặng độc giả. Các bức tranh do nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (làng tranh dân gian Đông Hồ), nghệ nhân Trần Quốc Đức (làng tranh dân gian Kim Hoàng), nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (làng tranh dân gian Sình)... thể hiện. Qua đó, tác giả và đơn vị xuất bản mong muốn độc giả cảm nhận chân thật nhất về tranh Tết dân gian Việt Nam, từ đó thêm yêu thích và có hứng thú chơi tranh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy thú chơi tranh Tết dân gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.