Mở đầu bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy, thành phố được nhìn qua “đôi mắt” của một nghệ sĩ guitar khiếm thị: “Hà Nội nhiều người quen biết Văn Vượng ở phố Hàng Giấy, hình như tiếng đàn của anh thiên về tả cảnh vật quanh mình. Nhưng có điều bất hạnh, anh chưa một lần được thấy cảnh trí Hà Nội...”.
Đó có lẽ là phân cảnh bâng khuâng nhất, mang dư cảm xuyên suốt bộ phim, và hơn thế, gợi lên một cách suy tư về thành phố này. Rằng thứ làm nên phong hóa Hà Nội không chỉ xuất phát từ cái “nhìn” theo nghĩa trực quan mà còn thông qua cách “cảm”, cách “thấy” của người nghệ sĩ.
Trong những kiến tạo nghệ thuật làm nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội, văn chương (xin được dùng “văn chương” theo nghĩa rộng) luôn là một mạch nguồn thâm trầm mà dồi dào mãnh liệt. Nếu khiêm tốn định mốc từ thuở đức Thái Tổ nhà Lý dời đô ra đất này, Thăng Long - Hà Nội kể cũng đã già một thiên niên kỷ giữ vị thế đế kinh (tất nhiên có những đứt đoạn, dài nhất như thời Nguyễn - khi kinh đô chuyển vào Phú Xuân (Huế) và Thăng Long bị hạ cấp xuống làm Bắc thành). Một thành phố mang trong mình ngàn năm “sóng lớp phế hưng” hẳn nhiên tạo cho hậu thế một cảm thức lịch sử đặc biệt: Thăng Long xưa - Hà Nội nay vốn luôn được coi như một biểu dụ về nguồn cội nước Việt. Chẳng thế mà một thi sĩ, một người miền Nam, chưa từng đặt chân ra Bắc đã xúc cảm viết nên tứ thơ gan ruột tuyệt bút: “Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” ("Nhớ Bắc" - Huỳnh Văn Nghệ).
Trải qua thăng trầm thời cuộc, tráng khí linh thiêng của núi Nùng sông Nhị dường như đã được ấn định trong tâm cảm mỗi người con đất Việt. Mặt khác, với tư cách một không gian văn hóa đô thị, Hà Nội tự nó vẫn luôn mang trong mình những đổi thay, biến chuyển sâu sắc từ một đô thị phong kiến cổ sang một thành phố cận và hiện đại. Và như thế, Hà Nội trong dọc dài lịch sử là mảnh đất văn hóa màu mỡ, đối tượng khảo cứu tiềm năng cho các cây viết muốn tìm về dấu xưa phố cũ, tìm về một Hà Nội như nó từng là.
Nhưng sẽ viết gì đây khi đã có những Doãn Kế Thiện, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Văn Uẩn, Trọng Lang... cho tới Vũ Tuân Sán, Trần Quốc Vượng, Giang Quân, Nguyễn Vinh Phúc, Philippe Papin...? Một kho sử liệu khổng lồ đầy thách thức đối những người làm khảo cứu đương đại. Trong bối cảnh kế thừa và tiếp thu di sản của lớp tác giả tiền bối, quãng hơn chục năm trở lại đây, nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến xuất hiện trên văn đàn như gương mặt tiêu biểu cho thế hệ “Hà Nội học” kế cận. Anh chọn cho mình lối khảo cứu “đi dọc, đi ngang” chân thực và sinh động, trước hết dưới con mắt của một sử nhân Hà Nội. Nguyễn Ngọc Tiến tiếp cận ngóc ngách lịch sử của thành phố ở những con người bình dị, những câu chuyện “rỉ rả vỉa hè” nhất, từ đó mở rộng biên độ khảo cứu, làm sinh động, sâu sắc thêm vốn tri thức về một thành phố luôn biết cất trong mình những giai thoại.
Nguyễn Trương Quý - nhà văn, nhà nghiên cứu thuộc thế hệ 7x lại dành sự quan tâm đặc biệt với sự đứt gãy văn hóa đô thị cả trong quá khứ và hiện tại, được soi chiếu thông qua những “vi lịch sử” trong dòng chảy lịch sử lớn của Hà Nội. Ngay cả những cuốn sách được coi là “tản văn” mới đây nhất của anh ("Hà Nội bảo thế là thường", "Triệu dấu chân qua những cửa ô"), các bài viết cũng có thể được đọc riêng như những tiểu luận đầy thú vị và gợi mở. Với tinh thần chiêm bái tìm tòi ấy, Nguyễn Trương Quý dần bước cả hai chân vào địa hạt khảo cứu, anh dẫn người đọc đi trên con lộ lịch sử tân nhạc Việt để khảo sát cơ chế tạo dựng “huyền thoại Hà Nội”. Từ "Một thời Hà Nội hát" cho tới (và đáng kể nhất là) tập biên khảo công phu "Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc" - dựng lại “một thời đại trong tân nhạc” là bước tiến dài trong cuộc rong ruổi với Hà Nội của anh.
Ở khía cạnh khơi dậy ký ức tập thể về Hà Nội, người đọc tìm thấy phiên bản Hà Nội “xã hội chủ nghĩa” trong những trang văn chân thật xúc động của Vũ Công Chiến, Trung Sỹ, Bình Ca... Đó là một “Hà Nội mũ rơm tem phiếu” (tên tựa sách của Trung Sỹ) đầy thương khó, trong không khí chung của công cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cho tới ngày thống nhất đất nước, Hà Nội nhọc nhằn trở mình qua thời bao cấp. Lại "Có một Hà Nội trong tôi" (Vũ Công Chiến) giàu chất hồi ký, như thước phim quay chậm từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành và già đi cùng Hà Nội của một người tự nhận mình không phải người “Hà Nội gốc” nhưng trọn cuộc đời chân thành gắn bó với nơi này. Hay đôi khi, ký ức về Hà Nội được cụ thể hóa qua những câu chuyện về "Kim Liên một thuở" (Vũ Công Chiến) hay "Quân khu Nam Đồng" (Bình Ca). Cuốn “kỷ yếu” về khu gia binh nổi tiếng bậc nhất Hà Nội của Bình Ca thực sự là một hiện tượng xuất bản, với hơn 4 vạn bản in, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng độc giả suốt những năm vừa qua.
Ấy là chỉ kể riêng những tác phẩm mảng phi - hư cấu. Hà Nội thực sự trở thành một “thực thể văn học” với đầy đủ ý nghĩa nhất khi đi vào trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến... Ở đó, Hà Nội không chỉ là bối cảnh không - thời gian để các nhà văn “mắc” câu chuyện của mình lên, mà hiện lên như một chủ thể xuyên suốt. Trần Chiến vẽ nên “sương phố, mặt người” Hà Nội bằng một giọng văn điềm đạm “cậu ấm”. Có lẽ, chính phong cách sống chậm rãi “bảo thủ” giữa một Hà Nội luôn nhộn nhịp, vội vã đã giúp cho nhà văn có cái nhìn sâu sắc, chiêm nghiệm nhưng cũng đầy hóm hỉnh về “nết đất” của “cái Hà Nội này”. Đỗ Phấn “rong chơi miền ký ức”, trung thành với trải nghiệm đời sống thị dân của chính mình, như không ít lần từng tuyên ngôn khiêm cung mà đầy kiêu hãnh “kiểu Hà Nội”: “Tôi yêu Hà Nội rất đơn giản, vì không còn nơi khác để yêu”. Thông qua những con chữ giàu chất tạo hình, các truyện ngắn và tiểu thuyết của họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn như "Vắng mặt", "Dằng dặc triền sông mưa", "Mắt rỗng", "Thác hoa"... đã mang lại một cảm thức không gian riêng biệt, góp phần định nghĩa nên một vùng thẩm mỹ Hà Nội trong văn chương đương đại.
Cùng thế hệ nhà văn hậu Đổi mới, Hồ Anh Thái mới đây khai thác đề tài lịch sử ở một góc độ khá độc đáo với lối viết hiện thực - kỳ ảo sở trường trong "Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu", cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh những ngày bảo vệ bầu trời Hà Nội trong mùa đông năm 1972. Với trường hợp Nguyễn Việt Hà, dấu ấn văn chương lại nằm ở sự định hình một giọng điệu tiểu thuyết độc đáo và nhất quán (từ "Cơ hội của Chúa" cho tới cuốn tiểu thuyết đạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 2023 của anh - "Tuyệt không dấu vết"). Một thứ “giọng của phố” kiêu bạc mà đầy chất "u - mua"...
Có lẽ cái day dứt lãng mạn của Hà Nội khiến cho ngay cả người sống ở Hà Nội vẫn thấy - mượn cách nói của Nguyễn Tuân - “thiếu Hà Nội”. Vậy chắc hẳn những người đi xa phải mang nặng nỗi lòng hoài nhớ. Đó là trường hợp của Mai Lâm, với loạt nửa truyện nửa ghi chép "Từ xa Hà Nội" và mới đây nhất là "Tay chơi" (đọc để thấy nghề chơi của “cao bồi già” Hà Nội cũng thật lắm công phu).
Có thể thấy, chủ đề/ chủ thể Hà Nội chạy trên thang độ rộng dài từ ghi chép, khảo cứu cho tới tản văn, truyện ngắn và nối sang tiểu thuyết. Trên đây chỉ là đôi nét phác họa những gương mặt văn chương tiêu biểu định hình nên khối - đa - diện văn học Hà Nội đương đại. Còn rất nhiều tác giả, những mảnh ghép làm nên khuôn diện Hà Nội ấy. Viết về Hà Nội có lẽ giống như viết về tình yêu, chẳng mấy ai đặt nặng vấn đề phải yêu thế nào, sáng tạo ra sao. Mỗi người nghĩ và viết về Hà Nội tự nhiên nhi nhiên theo cách của riêng mình. Sâu sắc giản dị như tình yêu vậy...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.