(HNMO) – Ngày 18/7, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức Lễ khởi công Dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện Lực Sông Hậu - Giai đoạn 1. Trung tâm điện lực Sông Hậu có quy mô công suất dự kiến khoảng 5.200MW – là trung tâm điện lực lớn nhất Việt Nam tính đến nay.
Sự kiện này là tiền đề để Petrovietnam tiến tới khởi công xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 vào năm 2011.
Trung tâm Điện lực Sông Hậu theo quy hoạch được Bộ Công thương phê duyệt với quy mô công suất khoảng 5.200MW (lớn gấp hơn 2 lần công suất thiết kế của Nhà máy Thủy điện Sơn La) bao gồm 3 dự án nhà máy nhiệt điện đốt than gồm: Nhà máy điện Sông Hậu 1 (2x600 MW), NMĐ Sông Hậu 2 (2x1000 MW), NMĐ Sông Hậu 3 (2x1.000 MW) cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ khác cũng sẽ được xây dựng.
Trung tâm Điện lực Sông Hậu được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 367ha. Theo Qui hoạch điện VI, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu khởi công xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 vào năm 2011 và đưa tổ máy thứ nhất phát điện vào cuối năm 2015, tổ máy 2 vào năm 2016.
Nhà máy điện Sông Hậu 1 với quy mô công suất 2 x 600MW được thiết kế theo sơ đồ khối gồm 2 tổ máy, công suất định mức mỗi tổ máy là 600MW sử dụng than nhập khẩu, nước làm mát sử dụng nước sông Hậu.
Dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu là một dự án thành phần của Trung tâm điện lực Sông Hậu, bao gồm các hạng mục chính: San lấp mặt bằng và hàng rào tạm Trung tâm Điện lực Sông Hậu giai đoạn 1; Cảng dùng chung gồm 1 bến nhập thiết bị 3.000DWT, 01 bến xuất thạch cao 3.000DWT, 1 bến đá vôi 1.000DWT và 2 bến xuất tro xỉ 3.000DWT; Hệ thống điện cấp nguồn điện 22 KV và cấp nước cho thi công lắp đặt nhà máy điện Sông Hậu 1; Khu nhà làm việc của Ban QLDA Điện lực Dầu khí Long Phú – Sông Hậu. Tổng mức đầu tư của Dự án này là 3.983,3 tỷ đồng (bao gồm VAT) được phân kỳ thành 3 giai đoạn đầu tư, trong đó Giai đoạn 1 là 2.101,6 tỷ. Nguồn vốn của chủ đầu tư và vốn vay.
Kể từ khi được giao làm chủ đầu tư xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 và cơ sở hạ tầng dùng chung tại Trung tâm Điện lực Sông Hậu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành của tỉnh Hậu Giang, huyện Châu Thành triển khai hàng loạt các công việc với tốc độ khẩn trương để đến nay có đủ điều kiện tiến hành khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu.
Trung tâm Điện lực Sông Hậu - Hậu Giang được xác định là trung tâm điện lực vùng, có nhiệm vụ cung cấp điện năng lên lưới điện quốc gia, phục vụ chủ yếu cho khu vực phía Nam và điều hòa chung cho cả nước thông qua hệ thống đường dây 220/500KV Bắc - Nam. Riêng đối với Hậu Giang, việc đầu tư Trung tâm Điện lực Sông Hậu không chỉ hình thành, phát triển được một hạ tầng cơ sở về năng lượng, gia tăng giá trị sản xuất theo hướng công nghiệp trên địa bàn mà còn góp phần tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, thúc đẩy các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khác phát triển và có nguồn thu ngân sách lớn, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước thời gian qua, đặc biệt các năm gần đây, nhu cầu về sử dụng điện năng không ngừng gia tăng. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước với mức tăng trưởng GDP khoảng 7-8%/năm trong giai đoạn 2010-2015, dự báo nhu cầu phát triển phụ tải điện sẽ tăng ở mức trên 15-17%/năm. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 cũng như một số nhà máy điện than khai thác tại khu vực ĐBSCL là hết sức cấp thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và của cả nước nói chung với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Trong những năm qua, nhiều công trình điện năng đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai và đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng như Trung tâm Điện lực Dầu khí Cà Mau gồm 2 nhà máy khí điện với tổng công suất 1.500MW (vận hành thương mại cuối năm 2008) và Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 có công suất 450MW vận hành thương mại cuối tháng 6/2009, hàng năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia gần 10 tỷ KWh, giúp chia sẻ khó khăn với ngành điện, đảm bảo cung cấp điện năng cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Ngoài các dự án điện trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn đang khẩn trương xúc tiến triển khai các dự án khác được giao làm chủ đầu tư như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200MW), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200MW), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1- Quảng Bình (công suất 1200 MW), Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 – Sóc Trăng (công suất 1.200 MW), Nhà máy Thủy điện Luang Prabang tại nước bạn CHDCND Lào (công suất khoảng 1.110MW).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.