(HNM) - Năm học 2022-2023 vừa kết thúc, nhiều bậc phụ huynh lại có dịp “khoe” bằng khen, bảng điểm, hình ảnh lễ tổng kết năm học của con trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều người không hề hay biết, việc làm này không chỉ vi phạm quy định pháp luật về quyền trẻ em, mà còn vô tình làm lộ thông tin của con, em mình, khiến trẻ em đứng trước nguy cơ trở thành “miếng mồi” cho kẻ xấu.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp:
Phụ huynh cần trang bị kiến thức pháp luật về quyền trẻ em
Theo Khoản 2, Điều 54, Luật Trẻ em sửa đổi năm 2018, phần trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng quy định rõ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định pháp luật”. Còn theo Khoản 1 và Khoản 4, Điều 29, Luật An ninh mạng về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng”; “Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em”... Như vậy, pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã tương đối đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, trong khi hầu hết nhà trường đều nghiêm túc thực hiện quy định trên, thì chính các bậc phụ huynh hoặc người thân của các em lại là “nguồn” làm lộ thông tin cá nhân của con, em mình trên mạng xã hội. Từ thông tin cá nhân của trẻ như tên tuổi, địa chỉ, trường lớp, bạn bè thân, những địa điểm vui chơi trẻ từng đến hoặc thường xuyên tham gia…, kẻ xấu có thể tiếp cận tài khoản mạng xã hội của trẻ để dọa nạt, khống chế, thực hiện hành vi lừa đảo, thậm chí xâm hại trẻ em. Để bảo vệ con, em mình, các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức về an toàn, an ninh mạng và quy định pháp luật về quyền trẻ em.
Cô giáo Đinh Thị Minh Huệ, Trường Tiểu học Kim Đồng, phường Giảng Võ, quận Ba Đình:
Nêu cao cảnh giác khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội để bảo vệ trẻ em
Gần 20 năm trong nghề dạy học, công việc đòi hỏi tôi có mối liên hệ chặt chẽ với các phụ huynh học sinh. Thực tế là có khá nhiều phụ huynh thường chia sẻ hình ảnh của con, em mình khi tham gia những chương trình vui chơi giải trí, hoạt động ngoại khóa; dã ngoại, tham quan… Việc này vô tình làm lọt, lộ thông tin về trẻ như trường, lớp, tên tuổi, địa điểm nơi các con đã đến. Tâm sự với cô, nhiều trẻ bày tỏ, các con cảm thấy áp lực khi chứng kiến bố mẹ, người thân quen có hành vi khoe thành tích học tập, bằng khen, giấy khen… của con, em họ lên mạng xã hội và không mong muốn bố mẹ mình có hành vi tương tự. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc phụ huynh bày tỏ niềm tự hào với con cái, động viên, khích lệ tinh thần ham học của trẻ là điều rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần phải làm đúng cách để vừa động viên, khen ngợi, vừa bảo vệ con tránh khỏi những nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng. Khi công khai chia sẻ dữ liệu cá nhân, đồng nghĩa với việc các dữ liệu này sẽ bị thu thập, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, nằm ngoài tầm kiểm soát của người chia sẻ. Vì vậy, mỗi bậc phụ huynh cần nêu cao cảnh giác, ý thức trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Cô giáo Vũ Thu Hương, Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Quan trọng nhất là phòng ngừa, biến các quy định thành kiến thức, kỹ năng
Ngày nay, “căn bệnh” thành tích đã ngấm sâu vào một bộ phận phụ huynh học sinh. Thay vì quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm tư, tình cảm của con, nhiều phụ huynh lại chỉ chú trọng vào thành tích học tập. Sự hãnh diện khiến nhiều phụ huynh có nhu cầu chia sẻ sự tự hào về con mình với cả thế giới. Điều này đi ngược với quan điểm của ngành Giáo dục. Cũng dễ hiểu với các bậc phụ huynh, vì con cái là tài sản lớn nhất, việc khoe con cái lên mạng xã hội cũng là cách để họ khẳng định giá trị bản thân. Tuy nhiên, khi đăng tải những thông tin về con, em, người thân của mình lên mạng xã hội, người lớn cần được sự đồng ý của trẻ. Việc đăng tải thành tích, thông tin liên quan đến trẻ em cần sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, khiêm tốn để mang lại hiệu quả tích cực cho cả con, em mình và cộng đồng.
Mặt khác, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho con những kiến thức cần thiết để nhận diện, phòng tránh, xử lý và tìm kiếm sự giúp đỡ khi có dấu hiệu bị kẻ xấu lừa đảo, dọa nạt, ép buộc… Sử dụng mạng xã hội càng nhiều, thông tin về người dùng sẽ càng được trí tuệ nhân tạo “phác họa” một cách chính xác. Vì vậy, nguy cơ bị lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng luôn thường trực. Điều quan trọng là phải phòng ngừa các nguy cơ và phải biến các quy định pháp luật thành kiến thức, kỹ năng sống để tự bảo vệ chính mình và con trẻ trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, phường Hà Cầu, quận Hà Đông:
Cần giúp trẻ em khẳng định, phát huy tối đa năng lực bản thân
Cứ mỗi dịp tổng kết học kỳ hay năm học, trên các trang mạng xã hội lại nhan nhản hình ảnh, video… khoe thành tích học tập, các hoạt động mà con tham gia, thậm chí cả thói quen sinh hoạt, ăn uống, sở thích vui chơi của trẻ. Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng việc khoe thành tích, điểm số của con lên mạng xã hội vô tình tác động tiêu cực lên cả những cháu có thành tích học tập tốt và chưa tốt.
Hành động “khoe” con của người thân làm trẻ dễ hình thành tư duy ảo tưởng vào năng lực bản thân, tự cao tự đại, coi trọng “bệnh thành tích” và triệt tiêu nỗ lực phấn đấu trong học tập, cuộc sống. Còn với trẻ có thành tích học tập chưa tốt, các em sẽ trở nên tự ti, mặc cảm, thậm chí hình thành tâm lý kỳ thị với những bạn có kết quả học tập tốt hơn mình. Vì vậy, thay vì khoe con không đúng cách, các bậc phụ huynh cần giúp con mình khẳng định, phát huy tối đa năng lực bản thân.