Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khóc, cười chuyện... số nhà!

Bài, ảnh: NGUYỄN LÊ| 12/04/2017 05:45

(HNM) - Từ nhiều năm nay, nhiều hộ gia đình tại TP Hồ Chí Minh dù đã an cư nhưng vẫn chưa thể... an tâm khi không ít lần dở khóc, dở cười với... số nhà. Sự lộn xộn trong việc đánh số nhà đã ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của các hộ dân, đặc biệt khi họ thực hiện giao dịch dân sự mà thủ tục liên quan đến... số nhà.

Một số nhà nhiều “xuyệt” tại khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.



Mê cung "xuyệt"

Có mặt tại đầu hẻm 1806, đường Huỳnh Tấn Phát (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh), chúng tôi nhờ một người dân sống đầu hẻm chỉ đường đến số nhà 1806/127/2/6/15/29A. Người này lắc đầu nói: "Anh hỏi nhà có nhiều "xuyệt" (đường vào có nhiều ngách, hẻm, nhánh... - PV) vậy tôi không biết đường nào mà chỉ". Dù vậy, người này cũng mách: "Anh chạy thẳng vào khoảng 500m, nhìn bên trái có bức tường người ta vẽ chỉ dẫn tìm nhà, rồi đi tới đâu hỏi tới đó". Tưởng đơn giản, chúng tôi tự tin chạy vào và rơi vào "mê cung" số nhà lúc nào không hay.

Sau hơn 30 phút chạy vòng vèo từ ngõ này sang ngách khác, khi tìm được số nhà 1806/127/2/6/15/29A thì chúng tôi đã mệt lả. Tại đây, chúng tôi nhận thấy, phần lớn số nhà đều từ 3 "xuyệt" trở lên, có nhà biển số tới 5, 6 "xuyệt". Theo một số người dân, những số nhà nhiều "xuyệt" trên đều do chính quyền địa phương cấp nhưng cũng không theo một logic, trình tự nào: Chẵn lẻ đan xen, số nhảy cóc, thậm chí cả trùng số hay số cũ, số mới song song... Thấy chúng tôi hoa mắt, bà Tư (tổ 5, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè) trầm tư: "Nhà nào mà được 3 "xuyệt" là mừng lắm rồi!".

Ngược lên quận 12, thực trạng một con đường phải "gánh" nhiều cái tên cũng khiến số nhà... ít số nơi đây trở thành một điều quá "xa xỉ" với người dân. Con đường có độ dài chừng 3km, là ranh giới giữa 2 phường Tân Chánh Hiệp và Tân Thới Hiệp nên một bên có tên là đường TCH 21, một bên có tên là TTH 02. Một đầu giáp với phường Hiệp Thành nên cũng có tên là HT 16. Được biết, năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 6464/QĐ-UBND “Về việc đặt tên đường mới trên địa bàn quận 12”, theo đó con đường trên có tên Dương Thị Mười, nhưng cũng chỉ được... 1/3 con đường.

Số nhà phải gắn với tên đường nhưng vì đường có quá nhiều tên nên số nhà trong khu vực như mê hồn trận. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khanh (đường TCH 21, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) cho biết, nhiều năm nay mỗi khi có khách từ nơi khác đến tìm thì chủ nhà phải "cử" người ra tận mặt đường để đón. Vì con đường này đi ngang qua Bệnh viện quận 12 nên người dân bèn gắn biển tên “Đường TTYT (Trung tâm Y tế)” để khách dễ nhận diện. Thành thử, con đường có tới 5 cái tên. Hầu hết ai đến đây tìm người quen hay liên hệ công việc đều phải hỏi đường. Oái oăm là dù có chỉ tận tình thì người hỏi đường cũng khó tìm được đúng địa chỉ. Vì thế, đôi khi người dân địa phương phải ngừng công việc mà đích thân dẫn khách đến tận nơi...

Chia sẻ với PV, người dân nơi con đường có 5 cái tên cho biết đã liên lạc với Phòng Quản lý đô thị quận 12. Đơn vị này trả lời là hồ sơ đã chuyển qua Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh). Sau đó, người dân liền liên hệ với cơ quan trên thì được thông báo: “Số liệu trong hồ sơ không đúng với thực tế”. Thế là, người dân địa phương đành ngậm ngùi sống chung với những số nhà... không có tên đường hợp lệ.

Sẽ thống nhất nguyên tắc cấp số

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trước đây, thành phố chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền cấp số nhà. Do đó, có lúc nhiều ngành, nhiều cấp cùng cấp số nhà. Đã thế, khi thực hiện chỉnh trang đô thị, cơ quan chức năng chưa chú ý trật tự số nhà hoặc khi mở rộng hẻm thành đường cũng chưa có kế hoạch chỉnh sửa số nhà cho phù hợp nên có tình trạng nhà mặt tiền nhưng... số lại trong hẻm.

Năm 1998, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT về Quy chế cấp số nhà và chỉnh sửa số nhà trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số nội dung của quyết định trên đã không còn phù hợp. Vì vậy, năm 2012, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND về Quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thay thế Quyết định 1958. Theo đó, từ tháng 6-2012 đến tháng 12-2016, thành phố đã cấp và chỉnh sửa số nhà được 116.152 căn trên địa bàn 16/24 quận, huyện. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng "loạn" số nhà trên địa bàn thành phố vẫn chưa được xử lý triệt để. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, do quá trình đô thị hóa quá nhanh nên có tình trạng số nhà không theo thứ tự, nhiều "xuyệt" hay số cũ, số mới đan xen gây lộn xộn. Điều này đã gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời ảnh hưởng đến các giao dịch dân sự của người dân. Cũng theo ông Trần Trọng Tuấn, bên cạnh tình trạng số nhà chưa thống nhất, trên địa bàn các quận, huyện vùng ven còn xảy ra tình trạng nhà không số bởi nhà nằm trong phạm vi hành lang kênh, rạch hoặc tồn tại trước quy hoạch mở rộng đường giao thông hiện hữu.

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập nêu trên, Sở Xây dựng cho biết sẽ phối hợp với UBND 24 quận, huyện cấp số nhà theo một nguyên tắc thống nhất. Đó là tất cả nhà ở và những công trình xây dựng có liên quan đều được cấp số nhà, kể cả những trường hợp nhà chưa có giấy tờ hợp lệ bởi việc cấp số nhà không có nghĩa là công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng. Đây được xem là "chìa khóa" gỡ những nút thắt trong việc cấp số nhà trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay. Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã làm việc với các cơ quan có liên quan để xử lý số nhà trong hẻm theo hai hướng: Kéo dài đường hẻm để giảm bớt "xuyệt". Đối với hẻm nhiều ngách, mỗi ngách thay vì dùng một "xuyệt" thì đánh bằng chữ cái (ví dụ, ngách đầu tiên thay vì 31/1/... thì thay bằng 31A/..., ngách tiếp theo 31/2/... thay bằng 31B/...)..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khóc, cười chuyện... số nhà!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.