Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Khoanh vùng” lĩnh vực kinh doanh có điều kiện

Hà Phong| 29/04/2014 06:49

(HNM) - Thể chế hóa Hiến pháp sửa đổi năm 2013, vấn đề quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm và khoanh vùng lĩnh vực kinh doanh có điều kiện là những nội dung được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.



Đây là tiền đề xác lập một cách minh bạch, rõ ràng phạm vi kinh doanh, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa DN tư nhân và DN nhà nước. Song vẫn còn những đề xuất thiếu cơ sở thực hiện.

Tới đây, cơ quan chức năng sẽ rà soát lại danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Thái Hiền


"Chốt" ngành kinh doanh có điều kiện theo thời kỳ

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khẳng định, thời gian qua Luật DN năm 2005 đã mở rộng phạm vi kinh doanh của DN. Tuy nhiên, đang xuất hiện ngày càng nhiều bất cập khiến việc quản trị DN nói chung, nhất là công ty cổ phần trở nên kém linh hoạt, tăng chi phí tuân thủ và làm chậm quá trình ra quyết định của DN. Theo yêu cầu của Quốc hội, phải làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và thị trường phù hợp với Hiến pháp 2013. Vì vậy, việc sửa đổi Luật DN 2005 là rất cần thiết.

Điểm lớn nhất khi xây dựng dự thảo Luật DN sửa đổi mà Bộ KH-ĐT hướng đến là tiếp tục hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc DN được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm. Ban soạn thảo đề xuất, các DN thuộc các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng, cùng hoạt động trong một hành lang pháp lý chung và theo cơ chế thị trường; hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ. Đáng lưu ý, DN được tự đăng ký kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về những gì đăng ký.

Theo ông Đặng Huy Đông: "Bộ KH-ĐT tạo điều kiện cho DN ra thương trường trên cơ sở tạo "luật chơi" chung như trên. Trong trường hợp DN hoạt động không minh bạch, sẽ có những quy định của luật khác xem xét, xử lý. Mặt khác, với chủ trương đưa công nghệ thông tin vào quản lý DN, cổng thông tin đăng ký DN quốc gia đã liên thông với Tổng cục Thuế, tới đây có thể kiểm soát tốt tình trạng DN gian lận. Ngân hàng và các doanh nghiệp muốn tìm hiểu cơ hội làm ăn, ngành thuế, công an muốn kiểm tra có thể dễ dàng tìm được thông tin về đối tác, do dữ liệu thông tin được cập nhật công khai trên mạng".

Về lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Bộ KH-ĐT sẽ rà soát trên cơ sở tập hợp danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà các bộ, ngành khác gửi sang. Sau kiểm tra mà không trả lời được hai câu hỏi: Tại sao phải có điều kiện đó mới được kinh doanh và nếu cho kinh doanh có ảnh hưởng gì thì sẽ bị đưa ra khỏi danh mục. Tuy nhiên, cuộc sống biến động không ngừng, nhiều ngành nghề mới liên tục xuất hiện, do đó các ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ phải "chốt" theo từng thời kỳ. Trước mắt, dự thảo luật nêu: "Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân... Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội và công an không được quyền thành lập và quản lý DN".

Một chương riêng về loại hình DN nhà nước cũng đã được hình thành vì khối này có điểm đặc biệt là sở hữu vốn của toàn dân nên việc quản trị cũng có những điểm khác biệt so với các loại hình DN khác.

Vẫn còn kẽ hở

Ghi nhận đề xuất của Bộ KH-ĐT về lĩnh vực kinh doanh có điều kiện sẽ bảo đảm sức sống lâu dài của luật song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành nghề bị cấm kinh doanh quá chung chung, dễ ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của người dân và gây nhiều cách hiểu khác nhau trong công tác quản lý nhà nước. Đối chiếu với Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích, Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, các quyền cơ bản của công dân trong đó có quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế bởi luật. Theo hướng này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xác định rõ hơn những ngành nghề bị cấm kinh doanh hoặc xem xét danh sách những ngành nghề cần phải đăng ký kinh doanh ngay trong luật để người dân biết và vận dụng. Cũng quan tâm đến nội dung cấm trong dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng cần xem xét lại các điều cấm đối với các DN quốc phòng. Bởi hiện nay, có nhiều sĩ quan quân đội đang giữ cương vị lãnh đạo, quản lý tại các DN quốc phòng có thêm chức năng làm kinh tế và những đơn vị này đang có xu hướng trở thành những tập đoàn kinh tế vững mạnh.

Về việc dự thảo Luật có nên dành một chương riêng về DN nhà nước hay không cũng có khá nhiều ý kiến thảo luận. Theo ông Đoàn Chí Kiên - Công ty Thuốc lá Sài Gòn, chúng ta đang tiến tới xây dựng hành lang pháp lý chung giữa các loại hình DN theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Việc quy định một chương riêng về DN nhà nước trong dự thảo Luật DN sửa đổi ảnh hưởng đến tính bình đẳng giữa DN nhà nước với các loại hình DN khác, có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật DN. Song để bảo đảm quản lý chặt chẽ khối DN nhà nước, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát những nội dung có tính đặc thù liên quan thành lập và tổ chức quản lý DN nhà nước để chuyển hóa vào các phần tương ứng trong dự thảo Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các luật khác có liên quan. Ông Đoàn Chí Kiên cũng cho rằng, trước kia sản xuất kinh doanh gặp nhiều cản trở, nay dự thảo Luật đã mở hướng dỡ bỏ những bất cập này, DN được làm những gì pháp luật không cấm là rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ chế mở, không thấy Ban soạn thảo đề cập tới các quy định, chế tài chống gian lận, vi phạm pháp luật, lừa đảo. Đáng lẽ "xây" phải đi đôi với "chống", vì tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra ngày càng nhiều và đang thiếu giải pháp giám sát, xử lý…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Khoanh vùng” lĩnh vực kinh doanh có điều kiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.