(HNM) - Hình ảnh con người miền núi phía bắc hồn nhiên, bình dị nhưng đầy sức sống được thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Sinh ra tại Lạng Sơn, Phạm Thái Bình xuống Hà Nội theo học ĐH Mỹ thuật công nghiệp mang theo những kí ức của tuổi thơ về vùng đất và những con người bình dị nhưng đầy sức sống. Nhận bằng cao học ở ĐH Mỹ thuật Việt Nam rồi giảng dạy ở ĐH Kiến trúc Hà Nội, nhưng Thái Bình vẫn sáng tác đều, theo hai mảng chính là đề tài về miền núi và trừu tượng. Bình kể, anh đã thực hiện những tác phẩm điêu khắc về đề tài miền núi từ năm 2002, lúc đó gần như là một nhu cầu tự thân. "Ban đầu tôi sáng tác để thực hành, trả bài cho môn điêu khắc, như là thể hiện về những gì đó sẵn có trong tuổi thơ". Sau đó, anh nhận thấy, "những người miền núi như tôi thì thích xuống Hà Nội, nhưng những sinh viên Hà Nội lại hay lên miền ngược tìm đề tài sáng tác". Thế là Bình bắt đầu tãi những ký ức tuổi thơ để hình thành một phong cách sáng tác chuyên về miền núi.
Một tác phẩm tại triển lãm. |
Gần 30 tác phẩm có trong triển lãm là những khoảnh khắc sống sinh động của những người dân vùng cao. Chỉ nghe cái tên "Khoảnh khắc bị lãng quên", hẳn người ta dễ suy đoán đây là một triển lãm với những gam màu buồn về những người dân quanh năm nghèo khó, lam lũ. Thế nhưng khi đứng trong không gian ấy, người xem sẽ lây cái hồn nhiên, sự trong sáng của những con người vùng cao. Đó là những chàng trai hỉ hả trên những chiếc xe Minsk chở các cô gái khỏe khoắn trong "Cướp vợ đêm trăng"; là sự tình tự của chàng trai với cô gái trong "Yêu bằng tai" và "Mày ưng tao chưa?" hay "Hôn trộm"; và còn là sự buồn bã rất thật thà trong "Ồ, nó nhắn tin bỏ tao rồi". Người miền núi nghèo vật chất nhưng không lúc nào nghèo tinh thần trong tác phẩm của Thái Bình. Có thể thấy điều ấy qua "Dân chơi phố huyện", "Đại gia phố núi" hay "Nhạc công đồi rượu".
Chất liệu đồng mạ và composite phủ sơn mài được Thái Bình chọn để thể hiện tác phẩm, khiến cho người dân tộc miền núi của anh bình dị mà không xuề xòa. Đặc biệt, chất liệu này mang lại hiệu quả về màu sắc cho các tác phẩm điêu khắc, cũng là dụng ý kết hợp đề tài văn hóa miền núi với chất liệu sơn trong văn hóa của miền xuôi. Tác giả không đi vào khắc họa văn hóa đặc trưng của người miền núi, mà anh tập trung vào bố cục và hình khối của tác phẩm. Vì thế, những cảm xúc, biểu hiện của con người được thể hiện trong tác phẩm rất sinh động.
Những hình ảnh mà Thái Bình thể hiện trong các tác phẩm của mình đang dần mất đi trong cuộc sống người dân miền núi phía bắc. Thế nhưng nó lại được tái hiện một cách sinh động bằng ngôn ngữ nghệ thuật điêu khắc và tình yêu quê hương của một nghệ sĩ trẻ. Có thể vài năm nữa, người miền núi không cướp vợ bằng xe Minks, không nghe radio, không ôm lợn đi bán ở chợ phiên… nhưng sự hồn nhiên, giản dị cùng sức sống của họ thì vẫn còn mãi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.