(HNM) - Sau 12 năm có hiệu lực, Luật Trọng tài thương mại đã góp phần giảm tải hoạt động xét xử của tòa án, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Tuy nhiên, một số tồn tại, khoảng trống của luật đã xuất hiện, nếu không sửa đổi sẽ khó thực thi.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, sau 12 năm, Luật Trọng tài thương mại đi vào đời sống, chủ trương khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải bằng trọng tài được ghi nhận trong rất nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt tại Nghị quyết số 49-NQ/TƯ ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đây là cơ sở quan trọng, nhằm mở rộng hình thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại và các quan hệ khác thông qua hoạt động trọng tài; đồng thời tạo ra cơ chế cho doanh nghiệp trong giải quyết tranh chấp, vì trình tự thủ tục nhanh gọn, không làm tiết lộ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên và bảo đảm quy định pháp luật.
Tính đến năm 2022, cả nước có 42 trung tâm trọng tài thương mại với hơn 700 trọng tài viên. Từ năm 2011 đến nay, các trung tâm trọng tài đã giải quyết được 2.900 vụ tranh chấp. Không những số lượng vụ việc trọng tài thụ lý tăng, mà các lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú hơn, góp phần giảm tải hoạt động xét xử của tòa án, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều vấn đề trong Luật Trọng tài thương mại vẫn chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau khiến việc triển khai còn vướng mắc. Đơn cử, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến tài sản là bất động sản tại Việt Nam có quan điểm cho rằng, đây là điều khoản phân định thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam đối với không chỉ tòa án nước ngoài, cơ quan tài phán nước ngoài, mà còn phân biệt với thẩm quyền của trọng tài thương mại Việt Nam. Điều này khiến số vụ tranh chấp có cùng bản chất nhưng các tòa án đã có những quyết định khác nhau.
Các quy định về nội dung phán quyết trọng tài phải có địa chỉ của trọng tài viên cũng gây nên nhiều tranh cãi. Vấn đề đặt ra là địa chỉ của trọng tài viên có cần thiết không vì trọng tài viên thường xuyên thay đổi địa chỉ thì rất khó trong việc xác định địa chỉ trọng tài viên, trong khi đó, pháp luật trọng tài các nước không có quy định này.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại thành phố Hồ Chí Minh, việc thi hành phán quyết trọng tài hiện nay cũng là vấn đề đáng phải bàn, bởi nhiều phán quyết trọng tài không rõ ràng, không khả thi nhưng cũng không có trình tự nào để xem xét lại phán quyết của trọng tài (giám đốc thẩm, tái thẩm). Pháp luật thi hành án dân sự cũng không có trình tự, thủ tục riêng cho việc thi hành đối với phán quyết của trọng tài. Do đó, cần có quy định cụ thể, đồng bộ để tránh tình trạng phán quyết trọng tài không được thi hành trên thực tế…
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trọng tài viên, thẩm phán, luật sư có lúc đúng hoặc không đúng. Do đó, việc chế tài cho việc cố ý làm không đúng quy định pháp luật là cần thiết, đây là điểm sòng phẳng giữa các chức danh với nhau.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung kiến nghị, trọng tài viên cần được chuẩn hóa trình độ tối thiểu là cử nhân luật và phải qua các khóa nghiệp vụ. Từ đó, tiêu chuẩn của trọng tài viên sẽ được chuẩn hóa hơn.
Các bất cập, lỗ hổng trên đòi hỏi Luật Trọng tài thương mại cần sửa đổi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do đó, Quốc hội khóa XV đã giao Hội Luật gia Việt Nam xây dựng báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại nhằm phục vụ công tác sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho chủ trương tăng cường, mở rộng hoạt động trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp lĩnh vực kinh doanh. Theo Trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Huệ, với tiến độ hiện nay, hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.