Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng trống chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

THỐNG NHẤT| 02/11/2016 07:00

(HNM) - Khác với các cấp học khác, mầm non (MN) là cấp học đặc thù với hai nhiệm vụ chính là chăm sóc và giáo dục trẻ, trong đó việc chăm sóc được quan tâm nhiều hơn, bởi các bé đang ở độ tuổi còn rất nhỏ.

Từ vấn đề quản lý...

Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ GD-ĐT đã chỉ ra, đây là cấp học còn tồn tại khá nhiều bất cập, yếu kém cả về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên. Thực tế, cứ hễ khi nào xảy ra sự việc trẻ bị bạo hành thì những bất cập, yếu kém mới lại được đề cập, rồi đâu lại vào đó và việc xử lý các ca bạo hành chỉ dừng ở vụ việc cụ thể.

Giáo viên Trường Mầm non Cổ Loa (huyện Đông Anh) chăm sóc bữa ăn cho trẻ. Ảnh: Trung Kiên


Cả nước hiện có gần 15.000 trường MN, tăng hơn 300 trường so với cùng kỳ năm học trước. Đáng chú ý, 2/3 số các trường tăng thêm này là trường ngoài công lập. Sự gia tăng nhanh chóng của loại hình trường MN ngoài công lập đang đặt ra cho các cấp quản lý nhiều vấn đề, trong đó nhức nhối nhất là tình trạng bạo hành trẻ. TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương là bốn địa phương có số trường MN ngoài công lập tăng nhanh nhất trong năm học 2015-2016. Tỷ lệ trẻ MN theo học các trường, lớp MN ngoài công lập ở nhiều nơi chiếm tới 50%.

Tuy nhiên, so với nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh thì hệ thống trường lớp MN hiện có vẫn chưa đáp ứng kịp. Chỗ học cho trẻ luôn là đề tài “nóng” không chỉ của phụ huynh, mà còn là vấn đề khiến các cấp quản lý đau đầu mỗi dịp vào năm học mới. Từ năm 2008 đến nay, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Điều lệ trường MN vẫn giữ nguyên quy định về trách nhiệm và quyền hạn của trường MN là: “Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng đến sáu tuổi…”.

Đó là về nguyên tắc, còn trên thực tế, hiếm có nơi nào làm được như quy định này. Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết của phụ huynh, trong khi hệ thống trường lớp công lập còn thiếu thốn, các cơ sở MN tư thục đua nhau mọc lên. Thiếu chỗ học, nhiều phụ huynh nhắm mắt gửi con ở những cơ sở tuềnh toàng cả về cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên.

...đến áp lực của giáo viên


Mới đây, dư luận phẫn nộ về việc cô giáo ở TP Hồ Chí Minh đập bàn vô tình làm gãy tay một bé trai trong lớp. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo hành trẻ mầm non, đòi hỏi cơ quan chức năng và cả xã hội không thể làm ngơ, phải rốt ráo có giải pháp hữu hiệu.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ đã được chỉ ra. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, tình trạng bạo hành khiến trẻ tổn hại cả tinh thần và thể chất. Các cô giáo đã chịu nhiều hệ quả. Người thì bị khởi tố, người bị kỷ luật không được đứng lớp và Ngành Giáo dục cũng chịu nhiều tai tiếng.

Thế nhưng tình trạng bạo hành trẻ vẫn không chấm dứt, trở thành nỗi lo, nỗi buồn của cả ngành khi “nhà có chuyện”. Với nhiều phụ huynh, đây thực sự là một nỗi ám ảnh mỗi lần gửi con đến trường. Nguyên nhân cơ bản là giáo viên MN bị nhiều áp lực tác động nên bị động, lúng túng, bí bách dẫn đến làm bừa. Đó là khi số trẻ đông vượt quá quy định của điều lệ, cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ quản lý trường thiếu chuyên nghiệp…

Ở một góc độ khác, kết quả nghiên cứu của TS Phạm Mạnh Hà (Khoa Tâm lý học, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho thấy, người làm công tác giảng dạy có nguy cơ mắc stress (căng thẳng) nghề nghiệp cao hơn nhiều so với các ngành nghề khác. Điều này thể hiện rõ nhất ở giáo viên cấp MN khi thực tế khảo sát thấy gần 60% số người được hỏi bị mắc stress nghề nghiệp. Những nguyên nhân khiến họ bị stress thường là do bị quá tải về công việc, thời gian làm việc nhiều, chế độ, tiền lương thấp…

Chỉ riêng về thời gian làm việc của giáo viên MN hiện nay cũng đã thấy bất cập. Năm 2011, tại Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên MN, Bộ GD-ĐT đã quy định rõ thời gian làm việc của mỗi giáo viên MN là 6 giờ/ngày. 5 năm đã trôi qua, quy định này vẫn nằm trên giấy. Thực tế, hầu hết giáo viên MN đều có mặt ở trường từ 7h30 đến 17h30 hằng ngày, tức là thời gian làm việc của mỗi người khoảng 10 giờ/ngày.

Bà Nguyễn Thu Hồng, phụ huynh học sinh Trường MN Chim én (Long Biên) chia sẻ: Chúng tôi hiểu và thông cảm với những áp lực mà các cô giáo MN phải thường xuyên đối mặt. Các cô cũng là những người bình thường, đôi khi quá áp lực dẫn đến bực bội, “giận cá chém thớt” hoặc có hành vi thiếu kiểm soát trút giận lên trẻ nhỏ. Song, không nên lấy những điều này để biện minh cho những hành vi bạo hành trẻ.

Ngành Giáo dục, cơ quan chức năng hãy quyết liệt hơn, mỗi người một việc cùng giải quyết những vấn đề liên quan, “sốc” lại đội ngũ này để các cô giáo yên tâm, vững tin chăm chút cho trẻ và cống hiến hết mình với cấp học đầu đời của trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảng trống chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.