(HNM) - Cuối tuần qua, nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange, bị bắt đầu tháng 12 tại Anh do những cáo buộc cưỡng bức và quấy rối tình dục ở Thụy Điển, đã được tại ngoại sau khi một thẩm phán cấp cao người Anh ra phán quyết rằng ông có thể được tự do kèm theo khoản tiền nộp bảo lãnh tại ngoại.
Dự kiến phiên xét xử tiếp theo diễn ra ngày 11-1-2011. Trong một tuyên bố ngắn đưa ra khi bước xuống các bậc thềm tòa án, ông Assange nói sẽ tiếp tục công việc, tiếp tục đấu tranh bảo vệ sự vô tội của mình và sẽ tiết lộ những gì sưu tầm được còn chưa công bố. Assange đã phải nộp khoản tiền bảo lãnh tại ngoại 240.000 bảng Anh; đồng thời chuyển tới sống tại một nhà nghỉ ở vùng Norfork (Anh) và phải tuân thủ các quy định tại ngoại mà tòa án quy định, như phải đeo một thiết bị giám sát điện tử, thường xuyên phải báo cáo với cảnh sát và chịu chế độ theo dõi chặt chẽ.
Theo bà Jennifer Robinson, một trong những luật sư của ông Assange, các công tố viên Mỹ đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để có thể dẫn độ Assange về Mỹ xử tội gián điệp. Quan điểm của nhóm luật sư là bất kỳ quyết định khởi tố nào về tội danh này theo luật của Mỹ đều vi hiến và yêu cầu sử dụng Tu chính án lần thứ 1 để bảo vệ tất cả tổ chức truyền thông.
WikiLeaks đã làm Mỹ "tức giận" sau khi cung cấp 250.000 điện tín ngoại giao nội bộ của Mỹ hồi cuối tháng 11 vừa qua, trong đó có cả những chi tiết về các cơ sở của Mỹ ở nước ngoài mà Washington coi là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Dù còn quá sớm để thấy được hết hậu quả từ việc làm của WikiLeaks đối với vị thế quốc tế của cường quốc này nhưng theo nhận định của Hãng AFP, đã có một số thay đổi trong quan hệ ngoại giao thế giới - có những thay đổi không thể đảo ngược để trở về như trước trong các mối quan hệ quốc tế. Rõ ràng, những tài liệu ngoại giao bí mật của Mỹ mà WikiLeaks công bố đã khiến chính quyền Obama phải đối mặt với nhiều thách thức.
Vì thế sau 2 tuần kể từ ngày WikiLeaks tiết lộ các thông tin về ngoại giao của Mỹ, ngày 15-12 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã công bố kế hoạch cải tổ ngành ngoại giao. Theo đó, Mỹ khôi phục nền ngoại giao dân sự và thúc đẩy vai trò từng áp dụng trong quá khứ, xem như đây là hướng đi tiên phong trong chính sách đối ngoại của mình. Kế hoạch cũng vạch ra một chiến lược nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của chính phủ vào các nhà thầu tư nhân, vốn "nở rộ" trong thập kỷ qua, đặc biệt tại Iraq và Afghanistan. Bên cạnh đó, các đại sứ và nhân viên ngoại giao cao cấp của Mỹ sẽ được trao quyền nhiều hơn, hoạt động giống như các giám đốc điều hành (CEO), có nhiệm vụ thực thi các chính sách của chính phủ cũng như giúp các nước phát triển và tránh lâm vào xung đột vũ trang. Nói tóm lại, các nhà ngoại giao Mỹ giờ chỉ làm những việc nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế Mỹ và thúc đẩy quan hệ song phương, không còn can thiệp như một cố vấn vào vấn đề nội bộ, vấn đề chính trị, an ninh… của nước sở tại. Nếu làm được như vậy, rõ ràng nền ngoại giao Mỹ sẽ thay đổi rất nhiều.
Trước những diễn biến mới trên, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro khẳng định nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã khiến Mỹ - một đế chế hùng mạnh nhất từ xưa tới nay trong lịch sử - có thể bị thách thức. Số phận của "người hùng" WikiLeaks J. Assange chưa biết ra sao nhưng như Fidel Castro tuyên bố, Mỹ thường thích cổ xúy cho tự do báo chí và nhân quyền, vậy mà cuối cùng đã rơi vào cái bẫy của chính họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.