Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng cách bất đồng còn lớn

Thùy Dương| 31/08/2017 06:27

(HNM) - Tiến trình đàm phán để Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (còn gọi là Brexit) diễn biến khá chậm chạp. Vòng đàm phán thứ ba giữa hai bên vừa kết thúc ngày 30-8 tại Brussels (Bỉ) cho thấy khả năng giải quyết các vấn đề khó theo đúng lộ trình.

Vòng thứ ba về Brexit chưa có nhiều tiến triển.


Khởi động vòng đàm phán Brexit lần thứ ba vào hôm 28-8, London tỏ ra "nóng lòng" trong việc định hình mối quan hệ đôi bên hậu Brexit nhưng phía Liên minh Châu Âu (EU) lại kiên định với kế hoạch bàn thảo các vấn đề "chia tách" rồi mới nói đến quan hệ "hậu ly hôn". EU nhấn mạnh phải có “đủ tiến trình” trong 3 vấn đề chủ chốt, gồm: Quyền công dân EU, biên giới Bắc Ireland và dự luật rời khỏi EU, trước khi cân nhắc các yêu cầu của London trong các cuộc hội đàm liên quan sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.

Phần lớn văn kiện nêu lập trường của Anh về Brexit đều đề cập đến mối quan hệ tương lai giữa hai bên, thay vì nhắc đến việc dàn xếp xung quanh “cuộc ly dị” lịch sử. Theo EU, tài liệu này chưa đưa ra các câu trả lời theo đúng thứ tự. Phát biểu trước các quan chức ngoại giao EU, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhấn mạnh sẽ không có cuộc đàm phán nào về mối quan hệ trong tương lai khi các vấn đề về việc Anh ra đi chưa được thống nhất. Ông Juncker cũng tỏ rõ sự thất vọng với cách tiếp cận của Chính phủ Anh trong các cuộc đàm phán Brexit.

Các nhà phân tích đánh giá, một trong những khúc mắc lớn nhất mà hai bên chưa tìm được tiếng nói chung đó là việc Anh sẽ phải tất toán các tài khoản tài chính cho EU trước khi rời khỏi khối như cam kết đã được đưa ra trước đó.

EU khẳng định đây là một trong 3 vấn đề chính cần được đàm phán dứt điểm trước khi nói tới quan hệ tương lai, trong đó có việc hoàn tất các thỏa thuận về thương mại song phương hậu Brexit.

Cho đến nay, vấn đề Brexit đang được xem như “cái cớ” để giới chức Châu Âu “mỉm cười” nhìn "mớ bòng bong" mà nước Anh vướng phải, khi họ buộc phải chấp nhận ý muốn của người dân và giải quyết hàng loạt khúc mắc trong việc chia tách các cam kết về thương mại, hệ thống pháp lý, tài chính và chính trị đã được xây dựng suốt 44 năm qua. Không chỉ vậy, Brexit cũng gây mâu thuẫn trong nội bộ Xứ sở sương mù.

Ngày 27-8 vừa qua, tiến trình thực thi Brexit của Thủ tướng Theresa May đã gặp thách thức lớn khi Công đảng - đảng đối lập lớn nhất tại Anh bất ngờ ra tuyên bố chính sách của đảng này là ủng hộ việc Anh ở lại thị trường đơn lẻ của EU. Điều này có nghĩa Anh sẽ tiếp tục đóng góp cho ngân sách EU, đồng ý việc tự do đi lại của công dân Anh và EU, chịu sự phán quyết của Tòa án Châu Âu vài năm sau khi nước Anh rời EU, thời gian này có thể kéo dài đến năm 2022. Tất thảy những vấn đề trên hoàn toàn khác với chiến lược Brexit của Thủ tướng T.May đưa ra.

Các cuộc đàm phán Brexit được bắt đầu vào tháng 6-2017. Ba vòng đàm phán đầu tiên đã kết thúc nhưng các bên chưa thể đi đến một quyết định quan trọng nào. Cả hai bên đang phải đối mặt với thời hạn chót vào tháng 3-2019, thời điểm quyết định cho một thỏa thuận để Anh rời EU và bắt đầu bàn về mối quan hệ giữa hai bên thời hậu Brexit.

Theo kế hoạch, các lãnh đạo EU phải đưa ra quyết định về việc liệu có thể khởi động vòng đàm phán về mối quan hệ song phương hậu “ly hôn” hay chưa vào tháng 10 tới. Các nhà quan sát cho rằng, kế hoạch này khó lòng thực hiện khi mà khoảng cách bất đồng giữa hai bên chưa có dấu hiệu thu hẹp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoảng cách bất đồng còn lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.