Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoan thư sức dân

Quỳnh Anh| 31/08/2021 06:06

(HNM) - Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nước ta đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Đến nay, chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí đã được triển khai, với tổng giá trị hơn 148,7 nghìn tỷ đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thêm nguồn lực tài chính duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến hết sức phức tạp, khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân vượt “bão” Covid-19, mới đây, Chính phủ đã có Tờ trình số 289/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch Covid-19.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết đưa ra 4 nhóm chính sách, trong đó có đến 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được đề xuất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện nước ta. So với các chính sách thuế ưu đãi trước đây, chính sách được đề xuất lần này mạnh mẽ, mang tính đột phá, hỗ trợ thực chất đối với doanh nghiệp, người dân khi được giảm, miễn, chứ không chỉ là gia hạn thuế, bảo đảm bất cứ người nộp thuế nào cũng được hưởng lợi.

Việc miễn, giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thêm nguồn lực để trụ vững trước khó khăn, không lâm vào cảnh giải thể, rút lui khỏi thị trường, gây ra suy thoái cả nền kinh tế và ảnh hưởng đến thu ngân sách lâu dài. Do đó, khi Nghị quyết được ban hành, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách, sớm có văn bản hướng dẫn, cũng như đơn giản hóa tối đa các thủ tục để doanh nghiệp và người dân được miễn, giảm thuế một cách nhanh nhất. Đồng thời bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân đều có thể tiếp cận thông tin về chính sách miễn, giảm thuế, bảo đảm chính sách được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát lại các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông và tạo đà phát triển cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau khi dịch bệnh được khống chế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính sách miễn, giảm thuế khi có hiệu lực tiếp tục thể hiện sự đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ rất thiết thực của Nhà nước đối với doanh nghiệp, người dân. Do vậy, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này, chủ động vượt khó, duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển dịch mô hình sản xuất, kinh doanh và chi phí để tăng sức bền, thích nghi với trạng thái bình thường mới…

Đối với người dân, trong lúc này cần chung tay, đồng lòng, đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào các chính sách của Đảng, Nhà nước; luôn đề cao ý thức với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, không chủ quan, lơ là, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 để đất nước sớm chiến thắng dịch bệnh, cuộc sống trở lại bình thường.

Miễn, giảm thuế sẽ là giải pháp thiết thực để “khoan thư sức dân”, trợ giúp cộng đồng doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh “hồi sức” sau dịch bệnh. Đó cũng là nguồn lực, tiền đề quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoan thư sức dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.