(HNM) - Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những thành tựu nổi bật của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2015-2020. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội về một số kết quả cũng như nhiệm vụ trọng tâm của ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô thời gian tới.
- Trong giai đoạn 2015-2020, lĩnh vực khoa học và công nghệ của Hà Nội đã có những dấu ấn nổi bật. Ông có thể nói rõ hơn về những dấu ấn này?
- Xác định lấy khoa học và công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2015-2020, Hà Nội đã ban hành và triển khai nhiều nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch phát triển gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ.
Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới theo hướng tăng cường xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển sang cơ chế thị trường. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã chuyển mạnh từ phương thức chủ yếu giao trực tiếp sang đặt hàng tuyển chọn đơn vị thực hiện. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn, phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Thành phố đã triển khai 345 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó trên 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng vào thực tiễn. Đặc biệt là chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của Thành ủy Hà Nội đã cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cho việc xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ đã thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Thành phố đã ban hành và triển khai tích cực Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thiết lập sàn giao dịch công nghệ thành phố...
Đặc biệt, Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc; xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
- Bên cạnh những thành tựu, ông có thể cho biết những hạn chế, yếu kém của ngành?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; nhiều tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác, đưa vào sử dụng hiệu quả. Việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành các cơ chế, chính sách còn chậm; thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường khoa học và công nghệ; các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn hạn chế cả về số lượng và quy mô, nhất là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ... Trình độ công nghệ của
các doanh nghiệp nhìn chung còn thấp; kết nối hoạt động nghiên cứu và triển khai với thị trường, doanh nghiệp còn yếu; đầu tư công cho khoa học và công nghệ chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
- Ông có thể cho biết những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô trong thời gian tới?
- Để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học và công nghệ của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực, trong giai đoạn 2020-2025, Hà Nội sẽ tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia trong việc tháo gỡ, giải quyết các thách thức của thành phố; tập trung huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng... trên địa bàn cùng vào cuộc, đồng hành vì sự phát triển Thủ đô.
Để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân Thủ đô. Khoa học và công nghệ phải trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, bắt buộc trong mọi ngành, lĩnh vực, trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Mỗi cấp, ngành cần xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án… cụ thể về ứng dụng, phát triển nhanh khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; huy động mọi nguồn lực, cơ chế, chính sách để nhanh chóng đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội và quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao; trong đó xây dựng khu thử nghiệm công nghệ mới, áp dụng cơ chế cấp phép thử nghiệm nhanh cho khởi nghiệp sáng tạo...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.