Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoa học công nghệ góp phần tích cực trong tái thiết thế giới sau đại dịch Covid-19

Thu Hằng| 19/12/2022 14:58

(HNMO) - Ngày 19-12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học VinFuture lần thứ 2, Quỹ VinFuture tổ chức tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống".

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc tọa đàm.

Ba chủ đề lớn được tập trung thảo luận tại tọa đàm gồm: “Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới”, “Vật liệu mới cho tương lai lưu trữ năng lượng” và “Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư”. Đây là những chủ đề khoa học thiết thực, có thể tạo nên cuộc cách mạng trong cuộc sống, đặc biệt là trong quá trình hồi sinh và tái thiết thế giới sau những tổn thương do đại dịch Covid-19 gây ra. 

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nêu rõ, dù mới bước sang năm thứ 2 nhưng các hoạt động thúc đẩy khoa học, công nghệ do Quỹ VinFuture khởi xướng và dẫn dắt đã tạo được tiếng vang và tầm ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học. Quỹ VinFuture đã thu hút được sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế cùng thảo luận về những vấn đề cấp bách mà cả thế giới đang đối mặt.

“Là cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao tầm nhìn của Quỹ VinFuture khi lựa chọn chủ đề “Hồi sinh và tái thiết” cho Giải thưởng VinFuture lần thứ 2, cũng như các vấn đề rất thời sự và thiết thực cho tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng hoan nghênh những sáng kiến mang tính đột phá của Quỹ VinFuture. Đó không chỉ là Giải thưởng VinFuture - giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu, thường niên đầu tiên do người Việt khởi xướng mà còn là chuỗi các hoạt động thường xuyên, các sự kiện quy mô nhằm kết nối cộng đồng khoa học thế giới và Việt Nam, thúc đẩy các trao đổi học thuật ở phạm vi quốc tế, đồng thời thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.  

Trong chủ đề đầu tiên, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng, đồng thời cũng là một trong các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Để làm nên một nền nông nghiệp bền vững phải tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và bảo tồn hệ sinh thái môi trường, sức khỏe cộng đồng. Thách thức này đòi hỏi phải có hướng đi mới, giải pháp mới và chỉ có khoa học công nghệ mới giải quyết được.

Giáo sư Ermias Kebreab (Đại học California, Davis) điều hành phiên  tọa đàm “Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới”.

Dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Ermias Kebreab (Đại học California, Davis), các nhà khoa học quốc tế đã trao đổi về khả năng chống chịu bền vững của nông nghiệp trong bình thường mới qua các tham luận: Từ phát hiện gen chịu ngập ở lúa (Sub 1A) đến sự phát triển các giống lúa chống chịu lũ lụt (Giáo sư Pamela C Ronald - Đại học California, Davis, Hoa Kỳ); công nghệ chỉnh sửa gen và chọn tạo giống hiện đại để đối phó với dịch hại thực vật (Tiến sĩ Van Schepler-Luu - Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI); phát thải khí nhà kính từ đất, phân bón và các giải pháp nông nghiệp tiềm năng góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu (Giáo sư Claudia Wagner-Riddle - Đại học Guelph, Canada); kỹ thuật canh tác thông minh chính xác cho hệ thống lương thực bền vững (Giáo sư Josse De Baerdemaeker - KU Leuven, Bỉ)… từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả, các ứng dụng thực tiễn góp phần tích cực trong công cuộc hồi sinh và tái thiết thế giới. 

Tại phiên tọa đàm thứ hai “Vật liệu mới cho tương lai lưu trữ năng lượng”, các nhà khoa học quốc tế đã trao đổi về các vấn đề: Vật liệu tiên tiến và lưu trữ năng lượng điện hóa; công nghệ pin mới; chính sách năng lượng xanh; tái chế pin, pin nhiên liệu hydro; lưới điện thông minh và bền vững… 

Các diễn giả trao đổi tại phiên tọa đàm “Vật liệu mới cho tương lai lưu trữ năng lượng”.

Phiên tọa đàm thứ ba về y sinh, các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế đã trao đổi về một liệu pháp tiên tiến trong điều trị ung thư: Liệu pháp cá thể hóa.

Tọa đàm được nghe các tham luận về: Ứng dụng lâm sàng của liệu pháp miễn dịch tế bào cải tiến cho bệnh ung thư; những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thư và những hướng đi tiềm năng; những chiến lược và công nghệ ứng dụng để thúc đẩy sự phát triển của liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư; làm thế nào để giúp bệnh nhân ở các nước đang phát triển có thể tiếp cận với các biện pháp điều trị ung thư mới…

Tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê kêu gọi sự kết nối, hỗ trợ và hợp tác mạnh mẽ giữa các nhà khoa học, những nhà hoạt động lâm sàng quốc tế và Việt Nam, giúp y học Việt Nam bắt kịp với thế giới và ngày càng phát triển, để căn bệnh ung thư không còn là gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoa học công nghệ góp phần tích cực trong tái thiết thế giới sau đại dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.