(HNMO) - Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội đều đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh đối với người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi F0 tự điều trị tại nhà ở Hà Nội tăng cao, công tác này phát sinh nhiều bất cập.
Do đó, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn và lực lượng phụ trách về vệ sinh môi trường, rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, mỗi gia đình trong việc phân loại và xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng.
Nơi thực hiện tốt, nơi lơ là…
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Phương án 01/PA-UBND về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tất cả các loại chất thải phát sinh của nhà bệnh nhân Covid-19 phải được coi là chất thải lây nhiễm. Rác thải sẽ được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi màu vàng thứ hai, buộc kín miệng và dán chữ “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” theo quy định.
“Công tác vận chuyển chất thải từ nhà có người là F0 do đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với Tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Phương tiện vận chuyển là phương tiện cơ động (thùng 240 lít, thùng 660 lít, xe gắn máy, xe chuyên dụng...), bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài. Rác thải được vận chuyển đến điểm lưu giữ chất thải lây nhiễm (có sẵn) tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc các trạm y tế lưu động, các khu lưu giữ tạm thời hchất thải lây nhiễm do địa phương bố trí trên địa bàn. Việc vận chuyển chất thải từ các điểm lưu giữ tạm thời đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại do địa phương bố trí, thực hiện bằng xe chuyên dụng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép”, Phương án 01 của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.
Dù đã có quy định cụ thể nhưng theo khảo sát của phóng viên Báo HàNộimới, tại các quận, huyện, việc xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà không giống nhau, có nơi thực hiện tốt nhưng có nơi lại lơ là.
Chị N.T.H (ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) kể, chồng và hai con gái của chị đã hoàn thành thời gian điều trị F0 tại nhà. Dù đã báo với y tế phường ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 nhưng gia đình chị không được hướng dẫn cách phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng cá nhân của F0 như thế nào. Vì nhận thức nguy cơ rác thải sinh hoạt sẽ là nguồn lây nhiễm nguy hiểm nên chị H đã tự phân loại rác vào túi nilon rồi buộc chặt và khử khuẩn trước khi mang đi đổ.
Cũng là một gia đình có 3 F0, anh Đ.M.Q (ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, con gái anh mắc Covid-19 sau khi đi học trở lại, sau đó lây cho hai em. Sau khi gia đình thông báo cho trạm y tế phường được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và tự cách ly ở nhà.
Ngoài ra, gia đình anh không được hướng dẫn về việc xử lý rác thải hằng ngày. “Việc đổ rác của gia đình sau khi có 3 F0 vẫn diễn ra như bình thường, không có gì thay đổi so với trước đây”, anh Q chia sẻ.
Tuy nhiên, có những nơi, việc phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt tại các gia đình F0 được thực hiện rất nghiêm túc. Sau khi các thành viên trong gia đình cùng bị lây nhiễm Covid-19, chị L.T.T (ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) đã báo với Ban quản lý chung cư - nơi gia đình sinh sống và được hướng dẫn thực hiện cách ly tại nhà theo quy định.
“Thời điểm gia đình tôi mắc Covid-19, chung cư chúng tôi sinh sống cũng có tới hơn 80 căn có F0 phải cách ly tại nhà. Chúng tôi có một nhóm zalo riêng với Ban quản lý, Ban quản trị chung cư để được thông báo, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, từ việc phun khử khuẩn tới xử lý rác thải phát sinh hằng ngày. Thay vì đi đổ ở họng rác như thông thường, mỗi gia đình có F0 sẽ cho rác thải sinh hoạt vào túi rồi khử khuẩn và buộc kín. Đều đặn đến 15h hằng ngày, sẽ có người đến thu gom riêng để phòng tránh lây nhiễm”, chị T cho biết.
Cần sự chung tay của mỗi người dân
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 2-3, số lượng F0 đang điều trị là hơn 600.000 ca, trong đó có hơn 590.000 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm hơn 98%). Với số ca nhiễm ngày càng gia tăng, rác thải của các F0 điều trị tại nhà nếu không được xử lý đúng quy định có thể là nguồn lây nhiễm dịch bệnh.
Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) là đơn vị bảo đảm vệ sinh môi trường 16/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Đại diện công ty cho biết, hiện nay, bình quân mỗi ngày phát sinh khoảng hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Urenco đã có những biện pháp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa bảo đảm các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, với số lượng các ca F0 gia tăng trong thời gian qua, công ty đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực.
Đại diện Urenco còn cho biết, theo quy định của Nhà nước và các cơ quan y tế, các trường hợp F0 phải báo với chính quyền hoặc cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn cách ly và điều trị.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít F0 không khai báo dẫn tới việc chưa được quản lý chặt chẽ, trong đó có cả việc xử lý chất thải. Thêm vào đó, nhiều hộ gia đình có F0, F1 chưa thực hiện nghiêm túc hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải. Điều này tạo nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với công nhân vệ sinh môi trường cũng như khả năng bùng phát dịch trên diện rộng.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc Covid-19 điều trị tại nhà.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn và kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 gia tăng từng ngày thì nỗ lực của các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn và lực lượng phụ trách về vệ sinh môi trường thực sự là chưa đủ. Do vậy, rất cần sự chung tay của mỗi người dân, mỗi gia đình, đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà hãy thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.