Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội triển khai phương án xử lý chất thải của F0 tại nhà

Hoàng Sơn| 10/03/2022 09:39

(HNMO) - Thời gian qua, số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 (F0) ở Hà Nội tăng lên nhanh chóng. Đi kèm với đó là chất thải y tế từ các gia đình có F0 cũng tăng theo, do đó, việc thu gom, xử lý chất thải này đúng quy trình là rất quan trọng để ngăn chặn dịch lây lan và không gây ô nhiễm môi trường. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Đào Thị Anh Điệp - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) về vấn đề này.

- Xin bà cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu cho thành phố triển khai giải pháp gì để thu gom, xử lý chất thải của các F0 đang điều trị tại nhà?

- Việc gia tăng số lượng F0 điều trị tại nhà theo hướng dẫn của ngành Y tế đã làm gia tăng chất thải lây nhiễm trong hộ gia đình. Trước thực tế này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu thành phố Hà Nội ban hành Phương án 01/PA-UBND về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố. Mục đích nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý chất thải, bảo đảm không phát tán mầm bệnh trong quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải phát sinh tại nơi cách ly, điều trị F0 tại nhà; bảo đảm an toàn cho người cách ly, nhân viên y tế, người tham gia quản lý chất thải. Ngoài ra, phương án giúp các địa phương, cơ quan quản lý chủ động kiểm soát, điều tiết công tác xử lý chất thải y tế lây nhiễm khi dịch bệnh diễn biến phức tạp làm gia tăng khối lượng chất thải cần xử lý.

- Hướng dẫn cụ thể cách phân loại rác thải và thu gom chất thải cho người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà ra sao, thưa bà?

- Chúng tôi quy định rất rõ: Tất cả các loại chất thải phát sinh của nhà bệnh nhân F0 phải được coi là chất thải lây nhiễm. Số chất thải này phải được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, sau đó buộc chặt túi, tiếp tục cho vào túi đựng chất thải màu vàng thứ hai, buộc kín miệng túi hoặc đóng gói trong các thiết bị lưu chứa theo quy định của Bộ Y tế. Các túi chứa chất thải này phải bảo đảm không bục, vỡ hoặc rò rỉ chất thải ra ngoài môi trường và được dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

- Vậy, biện pháp nào để bảo đảm an toàn cho lực lượng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải từ nhà có người mắc Covid-19, thưa bà?

- Chúng tôi quy định đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên từng địa bàn phối hợp với tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn đảm nhiệm thu gom hằng ngày và vận chuyển về điểm lưu giữ tạm thời do địa phương bố trí. Các thùng đựng, phương tiện vận chuyển chất thải lây nhiễm phải được khử khuẩn bằng dung dịch khử trùng có chứa 0,5% clo hoạt tính. Người trực tiếp tham gia thu gom, vận chuyển phải đeo khẩu trang y tế và mặc đồ bảo hộ y tế trong quá trình thu gom, vận chuyển; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.

Chất thải lây nhiễm sau khi thu gom được xử lý bằng phương pháp thiêu hủy hoặc phương pháp hấp nóng để tiêu diệt mầm bệnh. Trong đó, ưu tiên xử lý tại cơ sở xử lý chất thải y tế của địa phương. Đặc biệt, các đơn vị xử lý chất thải này phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và có địa điểm xử lý trên địa bàn thành phố Hà Nội với mã CTNH:13 01 01 gồm: Công ty cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp Bắc Sơn, Công ty cổ phần Môi trường đô thị công nghiệp 13 - URENCO-13…

Tuy nhiên, để bảo đảm đáp ứng nguồn lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện giảm tối đa chất thải lây nhiễm phát sinh, phân loại, thu gom chất thải y tế lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.

- Dù đã có quy định cụ thể nhưng theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại các quận, huyện, thị xã, việc xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà có nơi thực hiện tốt, có nơi còn lơ là. Vậy bà có kiến nghị gì để việc thu gom, xử lý chất thải này đạt hiệu quả?

- Theo tôi, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần tăng cường biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc phân loại riêng biệt, thu gom chất thải y tế lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lẫn với chất thải sinh hoạt; tiếp tục bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động phòng, chống Covid-19, trong đó, ưu tiên hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm do dịch Covid-19; chỉ đạo các cơ quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp vệ sinh môi trường để xây dựng, điều chỉnh, cập nhật phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà. Trong đó, cần có phương án bố trí đơn vị thu gom chất thải từ các gia đình, địa điểm lưu trú có F0 đang cách ly để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao kịp thời cho cơ sở xử lý.

Mặt khác, để phòng trường hợp các gia đình có người nhiễm Covid-19 nhưng không phát hiện hoặc gia đình có người nhiễm nhưng không phân loại chất thải đúng quy định, các địa phương, doanh nghiệp vệ sinh môi trường cần tăng cường hướng dẫn công nhân có biện pháp hạn chế tiếp xúc với rác thải trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý.

Bên cạnh đó, trong quá trình thu gom, xử lý chất thải y tế này sẽ phát sinh bất cập, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp vệ sinh môi trường điều chỉnh phương án phù hợp thực tế, đạt hiệu quả cao nhất trong ngăn chặn dịch lây lan, bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội triển khai phương án xử lý chất thải của F0 tại nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.