(HNM) - Mặc dù hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được xử lý mạnh tay với khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước đây kể từ ngày 1-7-2016. Tuy nhiên, liên tiếp trong thời gian qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT vẫn phát hiện nhiều vụ vi phạm với mức độ phức tạp gia tăng. Quản lý việc dùng chất cấm
Phát hiện những hoạt chất mới
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số hóa chất chỉ được sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp như nhuộm sợi vải, nhuộm giấy; các loại hóa chất làm sơn, vôi ve; các loại hóa chất sử dụng trong phân bón vô cơ… đã được dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Ngày 17-7-2016, Bộ NN&PTNT tiến hành kiểm tra đột xuất một số công ty sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y (2 công ty nhập khẩu hóa chất và có bán cho các nhà máy sản xuất TĂCN; 16 công ty sản xuất TĂCN, các sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản). Kết quả, phát hiện 10 công ty có hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất TĂCN. Các hóa chất công nghiệp được phát hiện chủ yếu là NaHCO3, MgSO4, ZnSO4, CuSO4, FeSO4, CaCO3 dùng sản xuất sơn, dệt nhuộm, công nghiệp giấy. Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, các hóa chất này còn dẫn nhiều tạp chất nguy hại khác.
Các hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện nghiêm quy định, không sử dụng chất cấm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. |
Ngoài hóa chất được đưa vào TĂCN, trong các tháng 7 và 8, kết quả kiểm soát chất cấm kích thích tăng trưởng Salbutamol của Thanh tra Bộ NN&PTNT vẫn phát hiện nhiều mẫu dương tính trên vật nuôi. Cụ thể, tháng 7, Bộ đã lấy 350 mẫu TĂCN và nước tiểu xét nghiệm, phát hiện 8 mẫu dương tính tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Bình Dương, Bình Định và Hưng Yên. Tháng 8, Bộ tiếp tục lấy 312 mẫu xét nghiệm, phát hiện một mẫu dương tính của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Bình Định. Hành vi sử dụng chất cấm chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua trực tiếp chất cấm Salbutamol về trộn vào TĂCN hoặc hòa vào nước uống cho vật nuôi.
Không dừng lại ở chất kích thích tăng trưởng Salbutamol. Đáng ngại hơn, kiểm tra mới đây, Thanh tra Bộ NN&PTNT còn phát hiện một số hoạt chất mới được sử dụng, điển hình là Systeamine có tác dụng kích thích tăng trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi. Chất này đã bị Liên minh Châu Âu cấm sử dụng trong chăn nuôi. Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Việt Nam cũng liệt vào hóa chất hạn chế sử dụng và Bộ NN&PTNT không cho nhập, kinh doanh và sử dụng chất này trong chăn nuôi.
Bài toán quản lý
Theo Bộ NN&PTNT, sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào việc sản xuất TĂCN, nuôi trồng thủy sản sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật. Người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm này sẽ bị nhiễm độc kim loại nặng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe với các triệu chứng dị ứng, ngộ độc, có thể gây ung thư. Do đó, việc dùng hóa chất công nghiệp để sản xuất TĂCN, các sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản là hành vi nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới xuất khẩu của Ngành Thủy sản Việt Nam. Thế nhưng để giải bài toán về quản lý các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi vẫn không phải là việc dễ làm.
Hiện nay, ngoài tăng cường thanh tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã ký Quy chế phối hợp về quản lý hóa chất công nghiệp sử dụng trong nông nghiệp. Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết: Cái khó ở đây là việc nhập khẩu, kinh doanh các loại hóa chất công nghiệp hoàn toàn không vi phạm do hóa chất này được phép lưu hành, dùng trong công nghiệp. Trên thùng sản phẩm đều có khuyến cáo là chỉ sử dụng trong công nghiệp, không sử dụng trong TĂCN và thực phẩm. Thế nhưng người dân vẫn dùng sai mục đích do thiếu sự hiểu biết hoặc vì lợi nhuận kinh tế. Hiện tại, giá 1kg hóa chất công nghiệp chỉ bằng 1/2 giá của hóa chất cùng loại dùng để sản xuất TĂCN, thậm chí là bằng 1/3. Do vậy, giải pháp trước mắt vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người chăn nuôi và doanh nghiệp cung ứng TĂCN hiểu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm.
Từ ngày 1-7-2016, một số điều trong Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngoài bị phạt tiền có thể sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 3 năm, nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt tù từ 3 đến 7 năm. Mức phạt tù có thể lên tới 20 năm, thậm chí có thể cao hơn. “Đây là mức phạt nặng và có tính răn đe cao. Nếu chúng ta xử lý nghiêm thì chắc chắn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ tiến tới chấm dứt hoàn toàn” - ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.