(HNM) - Theo dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố để lấy ý kiến góp ý, hoạt động giáo dục trải nghiệm lần đầu tiên sẽ được đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Bắt buộc với mọi học sinh
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng Chủ biên Chương trình hoạt động trải nghiệm trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, đây là hoạt động giáo dục bắt buộc đối với mọi học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Theo thiết kế, hoạt động trải nghiệm được tổ chức với nhiều hình thức: Cả ở trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường. Ở cấp tiểu học, nội dung này được gọi là hoạt động trải nghiệm; ở cấp THCS và THPT gọi là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: Huyên Nguyễn |
Theo thiết kế nội dung chương trình đang được tổ chức lấy ý kiến đóng góp, hoạt động trải nghiệm cho học sinh gồm 4 nội dung cơ bản: Hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Thực tế, đây là những nội dung quen thuộc với học sinh như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động câu lạc bộ..., song nay được sắp xếp theo chủ đề, tích hợp và có thêm yêu cầu mới.
Tùy theo lứa tuổi, yêu cầu giáo dục, nội dung giáo dục ở từng cấp học được thiết kế khác nhau. Nếu như ở tiểu học, chương trình hoạt động trải nghiệm tập trung vào phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân; thì ở cấp THCS sẽ dành nhiều thời lượng cho hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; cấp THPT tập trung vào giáo dục hướng nghiệp.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc hoạt động trải nghiệm có giải quyết được hạn chế của giáo dục hướng nghiệp vốn bị coi là hình thức nhiều năm nay hay không, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa khẳng định: Từ cấp THCS đến cấp THPT, hoạt động trải nghiệm có tích hợp nội dung hướng nghiệp nhằm cung cấp, hình thành cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cơ bản về định hướng chọn nghề. Để khắc phục hạn chế trong giáo dục hướng nghiệp, chương trình sẽ nêu ra yêu cầu cụ thể của từng ngành, nghề, giúp học sinh nhận thức được mức độ đáp ứng của bản thân, từ đó có sự lựa chọn phù hợp.
“Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp, học sinh được đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp; được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp trong tương lai” - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa bổ sung.
Còn nhiều băn khoăn
Ghi nhận tại các trường học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết ý kiến của đại diện cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh đều cơ bản đồng tình với nội dung hoạt động trải nghiệm, song vẫn chưa hết băn khoăn. Vấn đề lấy kinh phí ở đâu để triển khai nội dung này là câu hỏi đầu tiên được nhiều người quan tâm nhất.
“Hiện tại, mỗi năm học sinh có trung bình 2 lần đi dã ngoại, song kinh phí đều do phụ huynh đóng góp, trên tinh thần tự nguyện của gia đình. Sắp tới, khi nội dung này được đưa vào chương trình bắt buộc, thời lượng triển khai thường xuyên hơn, chúng tôi có phải tiếp tục đóng góp kinh phí hay không? Liệu có kiểm soát được việc các nhà trường lạm dụng việc này để thu nhiều, thu sai hay không?” - bà Nguyễn Minh Thư, phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) băn khoăn.
Còn ông Hoàng Minh Tuấn, phụ huynh học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) cho rằng: Hiện nay, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhất là những chuyến đi dã ngoại của học sinh mới dừng ở việc khuyến khích phụ huynh động viên con tham gia, nếu gia đình không tự nguyện cũng không sao. Nhưng sắp tới, nếu đưa vào thành nội dung bắt buộc, thì các nhà trường phải được trang bị những điều kiện tối thiểu để triển khai, trong đó có nguồn kinh phí, không thể trông chờ vào sự đóng góp của phụ huynh học sinh, bởi nguồn kinh phí này rất có thể sẽ không ổn định, ảnh hưởng tới chất lượng triển khai.
Phía các nhà trường cũng bày tỏ sự băn khoăn về nội dung này. Bà Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình) nêu ý kiến: "Trong dự thảo mới chỉ nhắc đến nội dung hoạt động trải nghiệm như một nội dung giáo dục bắt buộc trong chương trình giáo dục, chưa đề cập đến các vấn đề liên quan và điều kiện triển khai như thời lượng được bố trí ra sao trong năm học? Địa điểm tổ chức như thế nào, kinh phí lấy đâu ra?... Chúng tôi rất mong sớm có những quy định, hướng dẫn cụ thể để có thể chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai, đồng thời có căn cứ thông tin tới phụ huynh học sinh".
Bên cạnh đó, theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông: Nội dung hoạt động trải nghiệm nên được xây dựng một cách mềm dẻo, để cơ sở có thể triển khai linh hoạt căn cứ theo điều kiện thực tế về năng lực, nhu cầu. Việc giao quyền chủ động lựa chọn hình thức triển khai, xây dựng nội dung chương trình giáo dục đồng thời không đặt ra những yêu cầu quá nặng nề về điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí sẽ giúp các nhà trường phát huy tối đa khả năng sáng tạo và đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.