Môi trường

Khó khăn trong xử lý vi phạm lĩnh vực môi trường

Thu Hằng 17/02/2024 - 07:20

Tình trạng đổ trộm rác, phế thải, nước thải chưa qua xử lý ra vỉa hè… gây ô nhiễm nghiêm trọng diễn ra ở nhiều nơi

Những năm gần đây, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội được các cấp, ngành, địa phương rất quan tâm. Môi trường từ nội thành đến ngoại thành ngày càng xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng không đúng nơi quy định; đổ nước thải chưa qua xử lý ra vỉa hè… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, trong khi việc xử lý vi phạm ở lĩnh vực này gặp không ít khó khăn.

bai-rac.jpg
Bãi rác gần ngõ 24 đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) tồn tại từ lâu gây ô nhiễm môi trường.

Vi phạm tràn lan

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại nhiều tuyến đường, phố, khu đô thị ở các quận, huyện: Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm…, dù chưa phải giờ tập kết rác nhưng vẫn có nhiều túi, bọc rác thải được bỏ trên vỉa hè, lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị.

Đơn cử, lúc 8h30 sáng 15-2, dọc tuyến phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) đã có nhiều bọc rác thải chất đống trước cửa nhà dân hoặc đầu ngõ. Nhiều nhất phải kể đến đoạn đầu ngõ Lệnh Cư, vỉa hè gần ngõ 1B, trước cửa số nhà số 1...

Trên đường Giải Phóng qua địa phận quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng; tuyến đường Nguyễn Trãi qua địa phận quận Thanh Xuân; một số tuyến đường nằm trong các khu đô thị: Dương Nội, Văn Khê (quận Hà Đông), Vinaconex 3 phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm)…, nhiều bọc rác thải, cành đào, phế thải xây dựng bị vứt ngay trên vỉa hè, lòng đường.

Đáng nói, tại một số tuyến phố dù đã được lắp thùng rác công nghệ hoặc được đặt thùng rác di động, thậm chí có biển cấm đổ rác kèm theo chế tài xử phạt hành vi đổ rác không đúng nơi quy định như các tuyến đường: Xã Đàn, Nguyễn Trãi, Hoàng Cầu…, nhưng người dân vẫn vi phạm.

Không chỉ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, đồ dùng hỏng cũng bị đổ ngay ra những bãi đất trống ven đường, gây bụi bẩn, khiến nhân dân bức xúc. Điển hình phải kể đến tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long qua địa phận huyện Hoài Đức. Tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng xảy ra cách đây khoảng 4 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, do không bắt được đối tượng đổ trộm. Các khu đất trống thuộc phường Đại Mỗ, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cũng bị đổ nhiều rác thải sinh hoạt, cành cây, đồ dùng hỏng…

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Tình trạng đổ, vứt rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng diễn ra ở hầu hết các địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Nhưng khi được hỏi, hầu hết lãnh đạo các địa phương, cơ quan chức năng đều cho rằng, việc phát hiện, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Trưởng phòng Quản lý dự án 3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông Mai Tố Quang chia sẻ: “Hành vi vứt, đổ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng diễn ra rất nhanh, các đối tượng thường đổ trộm vào buổi tối, ban đêm nên khó bắt quả tang để xử lý. Trên địa bàn chưa lắp đặt camera giám sát, hỗ trợ xử lý vi phạm. Một số địa phương chưa quyết liệt xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nên vi phạm vẫn xảy ra ở nhiều nơi...”.

Còn Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) Trần Phan Mỹ cho biết: "Mặc dù trong năm 2023 và tháng 1-2024, phường đã xử phạt 15 trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, nhưng đến nay vi phạm vẫn xảy ra ở một số tuyến đường phố, nhất là khu vực giáp ranh. Khó khăn hiện nay là lực lượng cán bộ chuyên trách mảng môi trường ở cơ sở mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc, trong khi thiết bị hỗ trợ như camera còn ít nên khó xử lý vi phạm”.

Để ngăn chặn nạn vứt rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, các cấp, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ.

Về vấn đề này, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân Đinh Văn Hải thông tin: “Trước mắt, quận Thanh Xuân chỉ đạo các phường tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm; phối hợp với chính quyền các địa bàn giáp ranh để giải quyết những tồn tại trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Về lâu dài, quận tiếp tục chỉ đạo các phường tăng cường biện pháp quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống camera đã lắp đặt, phục vụ công tác phát hiện, xử phạt vi phạm; duy trì hoạt động của các nhóm Zalo bảo vệ môi trường từ quận đến các phường, tổ dân phố…”.

Còn theo Trưởng phòng Quản lý dự án 3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông Mai Tố Quang, trong năm 2024, quận Hà Đông sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các phường tăng cường lực lượng giám sát, xử lý vi phạm ở những “điểm đen” rác thải; phát huy hiệu quả công tác giám sát của cộng đồng, cũng như vai trò của tổ trưởng các tổ dân phố, các đoàn thể trong việc cung cấp thông tin vi phạm để xử lý kịp thời…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong xử lý vi phạm lĩnh vực môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.