Hà Nội kết nối

Kho cảng LNG – Xu thế đầu tư mới ở phía Nam

Hà Thái – Kim Sơn 16/08/2023 - 15:26

Kho cảng LNG ở Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) mới đi vào hoạt động. Dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ (tỉnh Bình Thuận) vừa được chấp thuận đầu tư. Những động thái này báo hiệu xu hướng đầu tư mới tại phía Nam.

a395.jpg
Dự án kho cảng LNG đầu tiên của Việt Nam tại cảng Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: PVG.

Nhiều dự án lớn

Chuỗi dự án kho cảng LNG Thị Vải của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) vừa được bàn giao cho Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT); đường ống dẫn khí LNG tái hóa Thị Vải - Phú Mỹ được bàn giao cho Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (KĐN) để các bên tiếp nhận, vận hành tại thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) sau gần 4 năm thi công, tổng mức đầu tư hơn 300 triệu USD.

a397.jpg
Lần đầu tiên, Việt Nam tiếp nhận tàu chở LPG cỡ lớn, cập kho cảng LNG Thị Vải.

Các sự kiện này đã đánh dấu một bước tiến mới của ngành Khí Việt Nam và ghi nhận xu hướng đầu tư mới của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Cụ thể, kho cảng LNG Thị Vải bổ sung 1,3 tỷ m3 khí mỗi năm cho thị trường phía Nam, bao gồm nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 cùng các khách hàng khác.

LNG (Liquefied Natural Gas - LNG) là khí thiên nhiên hóa lỏng có thành phần chủ yếu là CH4 - methane. LNG giúp giảm đến 30% lượng CO2 phát tán so với sử dụng than đá và dầu mỏ, góp phần bảo đảm cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.

a396.jpeg
UBND tỉnh Bình Thuận trao quyết định chấp thuận đầu tư hệ thống kho cảng LPG cho các nhà đầu tư. Ảnh: PVG.

Đầu tháng 8-2023, Liên danh Tập đoàn AES (Mỹ) và PV Gas cũng đã được UBND tỉnh Bình Thuận trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư kho cảng LNG Sơn Mỹ, tổng mức đầu tư khoảng 1,34 tỷ USD, dự kiến hoạt động từ năm 2027. Theo ông Joseph Uddo, Tổng Giám đốc AES Việt Nam, giai đoạn 1, kho cảng sẽ cung cấp từ 3,6 triệu tấn khí LNG mỗi năm. Giai đoạn 2 tăng lên 6 triệu tấn khí, cung ứng cho 2 dự án nhà máy điện khí có tổng công suất 2,2 GW của AES (đã được chấp thuận đầu tư trước đó).

Các địa phương phía Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển hệ thống kho cảng LNG, bởi Việt Nam vẫn có thể khai thác thêm các mỏ khí ở Biển Đông, Biển Tây. Cùng với đó, gặp thuận lợi trong nhập khẩu khí bằng đường biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết dự án kho cảng LNG Thị Vải còn đúng với chủ trương tăng trưởng xanh của tỉnh, nên các cấp, các ngành của địa phương luôn đồng hành với các doanh nghiệp để vận hành hiệu quả các dự án. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng thông tin, địa phương sẽ nỗ lực cùng các nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án, góp phần đưa Bình Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng mới ở phía Nam.

a398.jpeg
Sơ đồ một số khu mỏ khai thác dầu và khí tại vùng biển phía Nam của Việt Nam. Đồ họa: PVN.

Các đối tác nước ngoài cũng đang quan tâm đến lĩnh vực này. Theo ông Masuo Ono, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh, việc phía Nhật Bản vừa ký kết hợp tác tham gia vào dự án quản lý, phân phối LPG tại Việt Nam với công nghệ mã vạch cũng nhằm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước, góp phần cùng Việt Nam triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hoàn thiện ngành Công nghiệp khí

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp Khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển ngành này sẽ gắn liền với chiến lược và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

a406.jpg
Phối cảnh dự án đề xuất kho cảng LPG tại tỉnh Bình Thuận. Đồ họa: AES.

Nền công nghiệp khí Việt Nam sẽ được tập trung đầu tư để hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu, từ khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - dự trữ - phân phối khí và xuất nhập khẩu sản phẩm khí; thu gom 100% sản lượng khí từ các mỏ khai thác tại Việt Nam (dự kiến sản lượng 17-21 tỷ m3 khí/năm giai đoạn 2026-2035). Về nhập khẩu, phân phối LNG, Chính phủ chỉ đạo giai đoạn 2021-2025, đạt 1 - 4 tỷ m3/năm; giai đoạn 2026 - 2035 đạt 6 - 10 tỷ m3/năm.

Khoảng 80% tổng lượng khí trên sẽ phục vụ cho phát điện. Các kho dự trữ LNG bảo đảm dự trữ tối thiểu tổng nhu cầu sử dụng trong 15 ngày. Như vậy, thị trường LNG trong nước là rất lớn. Riêng về phát điện, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây mới 13 nhà máy nhiệt điện khí LNG có tổng công suất 22.400 MW. Đến năm 2035 có thêm 2 nhà máy với công suất 3.000 MW.

a402.jpg
Một phương án khác đề xuất hệ thống cảng quốc tế và kho cảng LPG tại Bình Thuận. Đồ họa: CP.

Các nhà đầu tư đã “đón đầu” xu thế này. Theo ông Joseph Uddo, Tổng Giám đốc AES Việt Nam, 2 nhà máy điện khí của AES tại Bình Thuận có tổng công suất 2.250 MW, nhưng kho trữ khí được đầu tư đủ để dự phòng 15 ngày chạy phát 4.500MW điện và còn được mở rộng, bởi còn tính đến cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện khí khác trong khu vực.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, cùng với mức tăng trưởng GDP dự báo khoảng 6,5 đến 7,5%/năm từ nay đến năm 2030, nhu cầu điện tại Việt Nam cũng sẽ tăng khoảng 8,6% trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 7,2% trong giai đoạn 2026-2030. Ngoài việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp năng lượng ổn định, linh hoạt, sạch và có giá hợp lý.

a401.jpg
Phối cảnh nhà máy điện khí Sơn Mỹ 3 và 4 tại Bình Thuận sử dụng LNG. Đồ họa: AES.

Vì vậy, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ có vai trò thiết yếu trong thực hiện các mục tiêu trên. Và như thế, ngành Công nghiệp khí Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Dự kiến đến năm 2035, Việt Nam sẽ có ít nhất 6 kho cảng LNG, tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kho cảng LNG – Xu thế đầu tư mới ở phía Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.