Kinh tế

Chuyển đổi nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện than: Cần quyết tâm với lộ trình cụ thể

Bảo Hân 21/06/2023 - 13:20

Triển khai các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cũng như thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng được nêu trong Quy hoạch điện VIII, các nhà máy nhiệt điện than đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi nhiên liệu. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ.

c7e8790c66f2b7aceee3.jpg
Các nhà máy nhiệt điện than trước thách thức phải chuyển đổi nhiên liệu. Ảnh minh họa.

Vướng mắc từ thực tiễn

Hướng tới mục tiêu “net zero” (không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển) vào năm 2050, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) định hướng rõ phương án phát triển nhiệt điện than: “Chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Định hướng chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu”.

Tại cuộc làm việc mới đây giữa lãnh đạo Bộ Công Thương và chủ đầu tư, chủ sở hữu các nhà máy nhiệt điện than, cùng các tập đoàn, tổng công ty có liên quan, nhiều băn khoăn, vướng mắc khi chuyển đổi nhiên liệu từ than sang amoniac và nhiên liệu sinh khối (hydrogen xanh) đã được nêu ra. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh cho biết, EVN đang quản lý, vận hành 15 nhà máy nhiệt điện than với 36 tổ máy, trong đó có 2 tổ máy đã vận hành trên 20 năm, 4 tổ máy đã vận hành xấp xỉ 40 năm, 4 tổ máy vận hành gần 50 năm. Đến năm 2030, có thêm 4 tổ máy vận hành trên 20 năm. Tập đoàn đã nghiên cứu, thử nghiệm và có kế hoạch chuyển đổi nhiên liệu cho tổ máy S7 của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng và S1, S2 của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh...

“Khó khăn chính là công nghệ đốt trộn amoniac thế giới mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm. Ở trong nước chưa có nhà máy nào thử nghiệm đốt trộn amoniac và vì thế chưa có đánh giá về kinh tế, kỹ thuật, cũng như ảnh hưởng đến con người, môi trường và thiết bị. Ngoài ra, khả năng cung cấp nhiên liệu amoniac, nhiên liệu sinh khối trong giai đoạn hiện nay còn hạn chế, chưa bảo đảm để vận hành lâu dài và ổn định…”, ông Nguyễn Tài Anh nêu rõ.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) và các tổng công ty phát điện 1, 2 và 3 cũng băn khoăn về giá biomass (sinh khối) trên thị trường cao hơn giá than, trong khi chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi cho nhà máy đồng sử dụng nhiên liệu sinh khối, amoniac để mở rộng thử nghiệm, tìm kiếm đối tác cung cấp lâu dài.

Các chủ dự án nhiệt điện đốt than BOT như Nghi Sơn 2, Vĩnh Tân 1, Duyên Hải 2 lo ngại về các điều khoản của hợp đồng mua bán điện đã được ký kết. Việc chuyển đổi nhiên liệu sẽ khiến giá thành sản xuất cao hơn giá đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện. Nhiều câu hỏi được đặt ra như thời gian còn lại của hợp đồng sẽ thực hiện ra sao? Phần chi phí tăng thêm cho chuyển đổi công nghệ, chi phí nhiên liệu chuyển đổi sẽ do bên nào chịu?...

Cần lộ trình phù hợp và quyết tâm chuyển đổi

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, chuyển đổi nhiên liệu than sang nhiên liệu sinh khối và amoniac cần phải có kế hoạch, lộ trình phù hợp, bảo đảm cắt giảm phát thải CO2 theo lộ trình như đã cam kết của Việt Nam với đối tác quốc tế, đồng thời không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tất cả các tác động đối với mọi lĩnh vực để xây dựng chương trình, giải pháp cụ thể, khả thi, không gây thiệt hại cho tất cả các đối tượng khi chuyển đổi.

Trên cơ sở đó, theo yêu cầu của Bộ Công Thương, thời gian tới, các chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà máy nhiệt điện than cần quyết tâm thực hiện cho được việc chuyển đổi nhiên liệu đốt theo đúng tinh thần là những nhà máy có tuổi đời từ 40 năm trở lên sẽ chấm dứt hoạt động. Những nhà máy từ 20 năm tuổi trở lên phải chuyển đổi nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và amoniac.

Một trong những giải pháp được Bộ chủ quản đưa ra là các đơn vị tích cực hợp tác nghiên cứu và chủ động tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sinh khối thay thế. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chủ trì với các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, dựa vào những cam kết của các tổ chức quốc tế, để đưa ra một số cơ chế chính sách ban đầu, hỗ trợ cho việc chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện than.

Để có thể chuyển đổi thành công nhiên liệu than sang sinh khối và amoniac, các tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư, chủ sở hữu các nhà máy nhiệt điện than cùng mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương sớm có lộ trình cũng như cơ chế, chính sách cụ thể về quy hoạch vùng nguyên liệu cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính..., tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi để các nhà máy thực hiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện than: Cần quyết tâm với lộ trình cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.