(HNM) - 70 năm đã qua kể từ mùa Thu lịch sử Tháng Tám năm 1945, khi đất nước bước sang trang mới với tư thế của một dân tộc độc lập, chúng ta vẫn tự hỏi vì sao một Đảng non trẻ mới 15 tuổi đã dẫn dắt dân tộc đi tới thắng lợi vẻ vang như vậy.
Và sau này tiếp tục đồng hành cùng đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, tiến tới thống nhất non sông? Phải chăng cùng với lòng yêu nước nồng nàn của toàn thể đồng bào, cách mạng thành công là nhờ có sự ủng hộ và đóng góp trí tuệ của rất nhiều trí thức từ khắp các mặt trận văn hóa, khoa học, giáo dục...
Nghĩ về các nhà trí thức cách mạng là nghĩ về một trang sử nhiều xúc động. Xin được tri ân những con người ấy thông qua những tác phẩm vừa được xuất bản trong dịp Quốc khánh 2-9 như "Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân" (NXB Thế giới), "Gương mặt những người cùng thế hệ" (NXB Trẻ); "Vũ Đình Hòe - thuở lập thân", "Trần Đại Nghĩa - nhà bác học Việt Minh" (NXB Trẻ).
1. Sự gặp gỡ giữa lý tưởng và hoài bão
Hầu hết các trí thức đi theo cách mạng đều trưởng thành trong gian khổ, đóng góp hết sức mình cho khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Tác giả Gérard Le Quang viết trong cuốn "Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân": "Khi biết sinh viên Võ Nguyên Giáp là cựu tù chính trị, giáo sư Pháp Gaetan Pirou nói rằng: Phải bằng mọi giá đưa anh thoát khỏi môi trường thuộc địa này, gửi anh sang Paris du học để anh có thể bảo vệ luận án tiến sĩ môn kinh tế chính trị về đề tài anh yêu thích. Võ Nguyên Giáp xin một ngày để suy nghĩ, cuối cùng anh từ chối với lý do không muốn rời xa các đồng chí của mình vì như thế là ích kỷ. Có lẽ chính vào hôm đó, Võ Nguyên Giáp đã quyết định lựa chọn con đường phục vụ cách mạng". Theo các tài liệu, câu trả lời cụ thể của Võ Nguyên Giáp lúc ấy là "ma confiction est faite" (tôi đã lựa chọn con đường của mình).
Ở tuổi ngoài 20, họ đã lựa chọn con đường của mình một cách dứt khoát. Cũng như vậy năm 1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau này được Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa) đã bỏ lại Paris hoa lệ và công việc tốt đẹp của một kỹ sư trưởng để cùng với các trí thức khác như kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh theo Bác Hồ về nước trên chiến hạm Dumont d'Urville của Pháp.
Trong "Trần Đại Nghĩa - nhà bác học Việt Minh", tác giả Thành Đức - thư ký riêng của GS - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa viết: "Tôi thực sự xúc động trước tình cảm chân thành của những trí thức Việt kiều cùng chí hướng được Bác Hồ lựa chọn và rèn luyện, đã vững bước theo Bác trên con đường phụng sự Tổ quốc". Còn trong hồi ký "Trở về với Tổ quốc kính yêu", GS Trần Đại Nghĩa kể "Anh Trần Hữu Tước là bác sĩ, anh chỉ có nhiệm vụ đi theo chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Bác Hồ. Tại Paris anh đã có một cơ ngơi bất động sản... Về Hà Nội, lẽ ra anh đáp máy bay trở lại Paris. Nhưng anh lặng lẽ từ chối và đã cùng chúng tôi vào chiến khu làm nhiệm vụ người thầy thuốc. Anh đã chịu ảnh hưởng từ Bác Hồ hay bị cuốn hút bởi không khí sôi động của những ngày Toàn quốc kháng chiến. Tôi đoán có lẽ vì cả hai: Vì Bác và vì cả nước!".
2. Cả cuộc đời cho cách mạng
Đúng như nhà sử học Dương Trung Quốc từng nói, họ là những "thế hệ vàng" của cách mạng Việt Nam. Chúng ta còn có thể gặp lại những trí thức ấy qua một tác phẩm đáng chú ý là "Gương mặt những người cùng thế hệ" của cố GS Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời). Các vị không chỉ đóng góp cho Tổ quốc bằng tuổi trẻ, học vấn, mà có khi bằng cả tính mạng.
Đó là cụ Nguyễn Văn Tố (sinh năm 1889, quê ở Hà Đông) - một người học vấn Đông - Tây uyên thâm từng làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. Cùng với các trí thức khác, cụ đã có đóng góp không nhỏ trong giáo dục bình dân, giải quyết quốc nạn thất học, mù chữ thông qua Hội Truyền bá Quốc ngữ. Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, cụ hy sinh sau khi bị giặc Pháp bắt.
Đó còn là bác sĩ, liệt sĩ Nguyễn Văn Luyện (sinh năm 1898, từng bảo vệ thành công luận văn y học xã hội về nạn tử vong của trẻ sơ sinh Việt Nam tại Pháp). Trong cao trào tiền khởi nghĩa, ông tham gia Đảng Dân chủ trong Mặt trận Việt Minh, nơi tập hợp các trí thức yêu nước lúc bấy giờ. GS Vũ Đình Hòe viết: "Ngay từ khi ở Paris hoa lệ, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã viết lời thề Hippocrates của riêng ông: "Về Việt Nam, nguyện hiến dâng tất cả sức lực, cuộc đời để chống lại những tai họa cướp đi mạng sống của trẻ thơ nghèo khó". Ông là bác sĩ đầu tiên mở bệnh viện tư, ưu tiên khám cho người nghèo. Nhà thương Ngõ Trạm của ông nay là ngôi nhà 167 phố Phùng Hưng". Kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội bùng nổ, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện cùng hai con trai đã cố thủ trong nhà cùng một khẩu súng máy... và đã hy sinh trong đêm 19-12-1946.
Thật khó có thể kể hết những gương mặt thế hệ vàng của trí thức cách mạng, kháng chiến. Như Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, hay Phan Mỹ - "người chiến sĩ văn phòng kiên cường vui tính của Bác Hồ" và cả tác giả cuốn sách "Gương mặt cùng thế hệ" - nhà luật học, GS Vũ Đình Hòe...
Đã 70 năm trôi qua kể từ mùa Thu Tháng Tám lịch sử, các nhà trí thức cách mạng đã bước vào lịch sử dân tộc, để lại những dấu ấn không bao giờ phai mờ về lòng yêu nước trong sáng và nhiệt huyết cống hiến. Cuộc tập hợp giới trí thức ngay từ buổi đầu lập nước ấy cũng để lại cho chúng ta bài học vận động quần chúng tài tình và quan điểm dùng người sáng suốt của Bác Hồ mà các trí thức còn nhắc mãi là "The right man in the right place" (Đúng người, đúng chỗ)!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.