(HNM) - Giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (V-League) 2011 là giải đầu tiên mà bóng đá Việt Nam (BĐVN) cởi bỏ tấm áo "thử nghiệm chuyên nghiệp". 10 năm "thử nghiệm" giúp các nhà làm BĐVN đủ kinh nghiệm và tự tin bước vào giai đoạn mới. Nhưng, có vẻ thu hút khán giả vẫn là vấn đề nan giải của BĐVN, kể cả khi thử nghiệm lẫn khi chính thức lên chuyên.
Các khán đài trống vắng khi khán giả Hải Phòng không đến sân cổ vũ cho đội nhà. Ảnh: Vũ Văn Đức |
Đến giờ, với bóng đá, mục tiêu "lấy mỡ nó rán nó" vẫn chưa thành. Khán đài nhiều sân vẫn thưa thớt khán giả. Con số trung bình hơn 8.000 khán giả/trận mà BTC giải đưa ra thật quá khiêm tốn so với con số trung bình 2 vạn ghế/sân. Với lượng khán giả ấy, có lẽ nguồn thu của BTC địa phương chỉ đủ chi cho việc tổ chức trận đấu. Nhiều sân từng được mệnh danh là "chảo lửa" như: Lạch Tray (Hải Phòng), Chi Lăng (Đà Nẵng), Long An… cũng lâm vào cảnh sút giảm khán giả. Thiếu vắng khán giả chính là "gót Asin" của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và không biết bao giờ mới khắc phục được. Ở các trận đấu trong khuôn khổ Cúp C2 châu Á, sân nhà Hàng Đẫy của Hà Nội T&T cũng thưa thớt khán giả, hệt như khi diễn ra các trận đấu tại V-League. Yếu tố "sân nhà" không còn mấy ý nghĩa với đội chủ nhà khi khán giả không chịu đến sân. Vậy là cả chủ lẫn khách đều kém hào hứng phô diễn tài nghệ, các trận đấu rất nghèo yếu tố giải trí.
Người ta đã đưa ra nhiều cách lý giải hiện tượng trên. Đầu tiên là chất lượng các trận đấu, điều phụ thuộc vào các đội bóng. Rất nhiều "đại gia" trước ngày khai mạc giải mạnh bạo đưa ra chỉ tiêu vào Top nọ, Top kia nhưng khi vào trận lại yếu kém đến không ngờ. Các nhà cựu vô địch (B.Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An), Á quân (Vicem Hải Phòng) yếu cả chuyên môn lẫn tinh thần. Trừ đương kim vô địch Hà Nội T&T xếp thứ 5 (giai đoạn đầu cũng rất lận đận), các "ông lớn" còn lại đều có vị trí thấp kém: B.Bình Dương (thứ 9), Hoàng Anh Gia Lai (thứ 11), Vicem Hải Phòng (thứ 12), Đồng Tâm Long An (thứ 14). Các "ông lớn" bị "thiếu gia" qua mặt, điều ấy nhẽ ra phải được đón nhận tích cực vì thể hiện sự tươi mới, bất ngờ… Đằng này, điều đáng nói là "thiếu gia" cũng chẳng ghê gớm gì, vượt lên là bởi "đại gia" tự sa sút. Chất lượng giải không cao là vì thế. Chính sự yếu kém triền miên đó đã khiến B.Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai phải thay HLV sau lượt đi. Những CLB đã không tiếc tay "rải" tiền để có quân "khủng" nhưng cũng không thể "đẩy" chất lượng chuyên môn lên, mà N.Sài Gòn và The Vissai Ninh Bình là điển hình. Một khi có đến 6 "đại gia" về tiền bạc và chuyên môn thất thế thì việc có nhiều trận đấu chất lượng trung bình hoặc kém là điều dễ hiểu.
Chuyên môn thì thế, việc cầu thủ chơi quá rắn dẫn đến bạo lực sân cỏ, chất lượng trọng tài kém cũng làm cho bức tranh V-League 2011 kém hấp dẫn. Vẫn như khi còn "thử nghiệm chuyên nghiệp", BTC giải ở V-League 2011 vẫn không tỏ rõ sự tiến bộ trong cách điều hành, giải quyết thỏa đáng các sự cố khiến các bên liên quan đã ức chế lại càng ức chế và càng chơi kém. Đúng là cái vòng luẩn quẩn.
Bảo sao khán giả không hào hứng đến sân!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.