Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi tâm linh biến dạng

Người Lái Đò| 07/03/2010 06:11

(HNM) - Sau Tết Nguyên đán, hội hè, đình đám bắt đầu diễn ra. Phần lớn lễ hội được tổ chức vào dịp này, vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp nên Giêng, Hai là tháng nông nhàn. Làng nào cũng có đình thờ thành hoàng; làng nào cũng có chùa, có đền nên làng nào có cũng lễ hội. Chỉ có điều là nhiều lễ hội ở trong phạm vi địa phương, nhưng không ít lễ hội tầm cỡ khu vực và quốc gia. Song lễ hội bây giờ...

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội bản thân nó bao giờ cũng gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Với phần lễ, khi những người cao niên hay có cước sắc trong làng làm các nghi lễ tâm linh cần thiết xong thì người dân có thể vào thắp hương cầu khấn xin thánh thần phù hộ cho những mong muốn của họ. Việc cầu xin tùy theo gia cảnh, nhà có người trọng bệnh thì mong khỏi bệnh; nhà có con đến tuổi dựng vợ gả chồng thì cầu mong nhà có được dâu thảo, rể hiền; lại có người xin thánh ban cho mọi việc được hanh thông, đại cát... Tóm lại là những người đi lễ hội cầu mong mọi chuyện tốt lành nhưng không quá xa rời với thực tại của họ. Lòng thành của người dâng lễ được vật chất hóa cũng chỉ là sản vật đơn giản của địa phương. Trước thánh thần, họ là sinh linh bé nhỏ và đồ lễ mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn. Sau khi lễ, họ lấy về chia cho mọi người và chỉ để lại phần nhỏ cho những người phục vụ lễ hội cùng hưởng. Nhưng nhiều năm trở lại đây, quan niệm đi lễ chùa, đình hay đền của nhiều người khác xưa rất nhiều. Nói cách khác, họ làm biến dạng lễ hội. Những người này cho rằng lễ càng to thì thánh thần cho lộc càng lớn và thế là người này đua người kia. Có người mang đồ lễ như gà, xôi, tiền vàng mã, hoa quả... chất đầy mâm. Lại có người còn dâng lễ cả thủ lợn cùng mâm xôi. Thậm chí có người đặt lễ cả những thứ mà thánh thần Việt Nam chắc không biết: lạp sường, kẹo sôcôla, rượu Tây... Bên cạnh đó là tiền mặt.

Điều đó khiến những ước mong tâm linh biến thành mê tín dị đoan. Và khi những ước mong tâm linh chuyển sang mê tín thì lễ hội đã bị tục hóa. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian GS-TS Tô Ngọc Thanh, khi lễ hội đã bị tục hóa sẽ làm mất dần văn hóa tâm linh vốn được kết tinh từ hàng nghìn năm. Điều đó làm cho các thế hệ sau không thấy được giá trị văn hóa trong lễ hội. Như thế đâu còn là bản sắc (?).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi tâm linh biến dạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.