(HNM) - Những ngày này, khi cả nước cùng hồi tưởng, cùng lật lại những ký ức về một thời đạn bom, một thời hào hùng nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cũng là thời điểm Chủ tịch nước ký lệnh công bố Luật Thủ đô, đưa Hà Nội bước vào thời kỳ phát triển mới. Cột mốc đáng nhớ này có phải là sự trùng lặp của lịch sử để mỗi con người không thể nguôi quên?
Phố Khâm Thiên tấp nập trong nhịp sống đô thị. Thủ đô Hà Nội đã có một tầm thế mới, ngày càng khang trang và hiện đại hơn. Chiến tranh đã lùi xa, 40 năm, thời gian đủ xóa đi những dấu tích của một thời đất rung, ngói tan, gạch nát… Nhưng lịch sử vẫn cuộn chảy khúc tráng ca của mười hai ngày đêm bi thương và anh dũng. Lịch sử không cho phép bất cứ ai nguôi quên những thời khắc đã làm nên cốt cách của một dân tộc. Quá khứ chính là mạch ngầm vô tận, là điểm tựa hướng chúng ta đến tương lai. Lịch sử đang nhắc nhở chúng ta suy nghĩ về một thời hào hùng, một thời bi tráng và đặt ra một câu hỏi lớn: Chúng ta là ai, chúng ta ở đâu và sẽ làm gì trong dòng chảy cuồn cuộn của thời đại để chiến tranh, mất mát đau thương mãi lùi vào dĩ vãng, để phẩm chất anh hùng kết tinh thành trí tuệ dân tộc đưa đất nước đến tương lai rạng rỡ?
Thời gian có thể xóa nhòa những dấu tích đạn bom, nhưng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" mãi mãi là khúc tráng ca bất tử. Sau 40 năm, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quân sự vẫn mải miết lắp ghép những mảng ký ức để khắc họa rõ hơn bức tranh Hà Nội mười hai ngày đêm hào hùng ấy; lý giải rõ hơn những chuyện bình thường đã trở thành phi thường của một dân tộc "ở chiến hào tiền tuyến vì nhân phẩm và các quyền của mỗi dân tộc" và điều gì đã đưa Hà Nội trở thành "Thủ đô của các giá trị loài người".
Đất Thăng Long - Hà Nội, nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm", nơi đã từng diễn ra nhiều trận quyết chiến mang tính chất quyết định đối với vận mệnh đất nước như Đông Bộ Đầu (thời Trần), Đông Quan (thời Lê), Ngọc Hồi - Đống Đa (thời Quang Trung - Nguyễn Huệ)… nhưng có lẽ "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là cuộc chiến quyết liệt nhất, có tính hủy diệt cao nhất. Những bước lùi của thời gian cho phép chúng ta nhìn lại cuộc đối đầu lịch sử này với một góc rộng và từ nhiều phía. Khá nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức, nhiều nhận định đã được đưa ra về cuộc chiến giữa bạo tàn và lương tri nhưng cho đến hôm nay, chưa ai có thể cắt nghĩa trọn vẹn sự điềm tĩnh đến lạ thường của người Hà Nội trong mất mát đau thương, để rồi giáng cho quân thù những đòn chí mạng.
Chúng muốn biến ta thành tro bụi, ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm. (Tố Hữu). Gần 40.000 tấn bom đã trút xuống phố xá, làng mạc, bệnh viện, trường học… của Hà Nội trong mười hai ngày đêm mùa đông năm 1972 ấy là biểu hiện rõ nhất của cái ác, của sức mạnh bạo tàn. Tấm bia căm thù trên phố Khâm Thiên cùng bức tượng đài của họa sĩ Nguyễn Tư lấy nguyên mẫu người phụ nữ Hà Nội chết đứng dưới chân cầu thang nhà số 47 trong trận bom B-52 thảm khốc vẫn còn mãi với thời gian. Khu phố tấp nập ở trung tâm Hà Nội bỗng chốc trở thành đống gạch vụn, với chi chít những hố bom. Gần 300 người chết trong tức tưởi. Bên đống đổ nát của phố Khâm Thiên, nữ danh ca Mỹ Joan Baez đã phải lấy khăn che mặt và toàn thân rung lên vì tiếng nấc. Trước mắt cô, mức độ khủng khiếp của sự hủy diệt đã nói lên tất cả. 40 năm đã qua, nhưng những tiếng khóc than, những vòng tang trắng, những chiếc quan tài đóng vội vẫn là nỗi ám ảnh đau thương với không ít người dân. Tờ báo The Daily Mirror của nước Anh bình luận: "Việc Mỹ quay lại ném bom Bắc Việt Nam làm cho cả thế giới lùi lại vì ghê sợ".
Có những nỗi đau không thể nguôi quên, nhưng trong những mất mát tưởng như đến tột cùng ấy, vẫn ngời lên một Hà Nội quả cảm, trầm tĩnh, vững vàng. Người Hà Nội bình tĩnh đối phó với bom B-52 Mỹ. Sau tiếng máy bay gầm rú, những tiếng bom rơi, đạn xé, tiếng còi báo yên lại cất lên, những đoàn người chui lên từ lòng đất, lại hối hả với công việc bên những ngôi nhà sập đổ, những đoạn đường còn khét lẹt bom cào. Trẻ con, người già, từng đoàn ra ngoại thành hay đến những tỉnh lân cận sơ tán, nhà cửa giao cho hàng xóm, nhiều đứa trẻ đi mà không có người thân nhưng chẳng phải lo lắng gì, bởi ở đâu cũng có những người dân chân chất hiền lành, sẵn sàng chở che, đùm bọc họ. Không ai nghĩ về riêng mình. Tình người là niềm tin, là sức mạnh để những bộ đội sao tròn, tự vệ sao vuông yên tâm chiến đấu và chiến thắng quân thù. Giữa khoảng lặng của những tiếng bom rền, ngay bên trận địa pháo, trên những chiếc bàn được làm từ đui đạn, người ta vẫn tổ chức tiệc cưới cho những cặp dân quân, tự vệ. Phông màn màu xanh lơ, nổi lên đôi chim câu trắng, cô dâu mặc áo dài nở nụ cười hạnh phúc như chưa hề có đạn nổ bom rơi… Bình yên trong chiến tranh cũng là những khoảnh khắc lạ thường trong mười hai ngày đêm người Hà Nội đánh trả cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ.
Một tạp chí của Mexico viết: "Tất cả nhà báo đến Hà Nội đều ngạc nhiên trước sự bình tĩnh và lịch sự của người dân thành phố này… Trên nét mặt họ không hề biểu lộ sự mệt mỏi hay thất vọng. Thật là một bài học lớn với loài người…". Báo Thế Giới (Le Monde) của Pháp nhận định: "Đối diện với quân đội Mỹ là cả một dân tộc kiên quyết như quả núi đá, có một tâm hồn cao thượng đáng khâm phục, một tinh thần dũng cảm vô song, không hề biết sợ trước bất cứ kẻ thù nào". Những "lát cắt" ấy của các nhà báo nước ngoài không mang nhiều dung lượng thông tin, nhưng đủ để nhân loại tiến bộ hình dung về một dân tộc quả cảm. Hà Nội xứng đáng là biểu tượng của phẩm giá và lương tri nhân loại, biểu tượng của một dân tộc yêu tự do, yêu hòa bình và không chịu khuất phục trước sức mạnh bạo tàn.
Khát vọng độc lập, khát vọng hòa bình, những đau thương, căm hờn… của người Hà Nội đã hun đúc thành ý chí quyết chiến và quyết thắng. Lưới lửa tầm thấp, tầm cao giăng ngang trời trở thành "thiên la, địa võng", nỗi kinh hoàng của giặc Mỹ. Rồng lửa Thăng Long đã vút bay lên trong những "khoảnh khắc đặc biệt" kết tinh của lòng quả cảm và sức sáng tạo Việt Nam trong cuộc đối đầu với những phương tiện chiến tranh hiện đại của xâm lược Mỹ. Nhiều "siêu pháo đài bay", "thần sấm", "con ma" đã phải đền tội. Nước Mỹ đã phải trở lại vòng đàm phán cuối cùng và đi đến ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" được kết tinh và tỏa sáng bởi những giá trị truyền thống từ tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam, được khơi dậy từ tinh thần yêu nước, in đậm ý chí "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của người dân Hà Nội. Chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là khúc tráng ca bất tử của thời đại Hồ Chí Minh.
40 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, những mất mát đau thương đã nhường chỗ cho niềm tự hào về một Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng, một thành phố Vì hòa bình đang ngày càng phát triển. Thời gian có thể làm lành những vết thương nhưng không thể khỏa lấp tất cả. Những mạch nguồn lịch sử vẫn mãi mãi chảy. Mỗi người Hà Nội hãy "đóng đinh" trong suy nghĩ về một thời đạn lửa bi thương để trân trọng quá khứ, để hiểu hơn về giá trị của hòa bình, về sức mạnh của lòng nhân ái và trí tuệ, để trân trọng hiện tại và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc trong dòng chảy mạnh mẽ của thời đại. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã đổ máu cho độc lập, chủ quyền của dân tộc, cho cuộc sống hòa bình của nhân dân. Chúng ta sẵn sàng đập tan những ý đồ xâm lăng và không cho phép bất cứ hành động nào làm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Lịch sử đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Không ai được phép lãng quên lịch sử của dân tộc mình, đất nước mình. Tinh thần yêu chuộng hòa bình, sự tôn trọng lẫn nhau dựa trên các giá trị chuẩn mực quốc tế sẽ đem đến cơ hội phát triển cho mỗi quốc gia và toàn nhân loại trong thế giới toàn cầu hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.